Phát hiện bụt mọc cổ thụ hơn 2.600 tuổi ở Mỹ

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, May 11, 2019.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 125)

    Phát hiện mới giúp bụt mọc trở thành một trong những cây sinh sản hữu tính già nhất thế giới, vượt xa ước tính trước đây của các chuyên gia.

    [​IMG]

    Bụt mọc hiện là cây sinh sản hữu tính sống thọ thứ 5 thế giới. Ảnh: Live Science.

    Các nhà khoa học phát hiện một cây bụt mọc ít nhất đã 2.624 tuổi ở vùng đầm lầy sông Black, bang Bắc Carolina, Mỹ, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Environmental Research Communications hôm 9/5.

    Nhóm nghiên cứu bắt gặp bụt mọc cổ thụ này trong lúc nghiên cứu vòng tuổi của cây để tìm hiểu về lịch sử khí hậu tại miền đông nước Mỹ. Ngoài thể hiện tuổi thọ, độ rộng và màu sắc của vòng tuổi trên thân cây còn cho biết mức độ ẩm ướt hay khô hạn của năm tương ứng.

    Qua các nghiên cứu trước, nhóm chuyên gia biết tới một cụm bụt mọc trong đầm lầy Three Sisters ven sông Black. Đây là một trong những cụm cây cổ xưa nhất nước Mỹ, một số cây đã sống tới 1.000 - 1.650 năm.

    Nghiên cứu mới cho thấy, bụt mọc sống lâu hơn nhiều so với những gì các nhà khoa học từng nghĩ. Ngoài cổ thụ 2.624 tuổi, nhóm chuyên gia cũng phát hiện một cây 2.088 tuổi trong cùng đầm lầy và có thể còn nhiều cây khác nữa.

    "Chúng tôi mới phân tích lõi và xác định tuổi của 110 cây bụt mọc tại đây. Đó chỉ là một phần nhỏ trong số hàng chục nghìn cây sống ở vùng đất ngập nước này. Có thể còn vài cây bụt mọc hơn 2.000 tuổi trong khoảng 100 km xung quanh sông Black", nhóm nghiên cứu cho biết.

    Bụt mọc hiện là loài cây lâu đời nhất thế giới sống ở vùng đất ngập nước. Đây cũng là cây sinh sản hữu tính già thứ 5 thế giới. Kỷ lục cây sinh sản hữu tính già nhất thế giới thuộc về cây thông Pinus longaeva 5.066 tuổi ở dãy núi White, California.

    Những cây cổ thụ trong nghiên cứu mới sống ở vùng đất được bảo vệ do tổ chức Nature Conservancy sở hữu. Tuy nhiên, sự tồn tại của chúng vẫn bị ảnh hưởng bởi nạn chặt phá ở những nơi khác dọc theo con sông, ô nhiễm công nghiệp và biến đổi khí hậu. Theo nhóm nghiên cứu, đầm lầy nằm ở độ cao hai mét so với mực nước biển, có nguy cơ bị ngập khi nước biển dâng do hiện tượng ấm lên toàn cầu.

    Thu Thảo (Theo Live Science)


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Phát hiện bụt mọc cổ thụ hơn 2.600 tuổi ở Mỹ

Share This Page