Doanh nghiệp công nghệ Việt gặp bất lợi vì tư duy cũ

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, May 9, 2019.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 120)

    Nhiều chuyên gia cho rằng tư duy quản lý cũ đang áp đặt cho các dịch vụ sáng tạo, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ Việt.


    Tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam diễn ra ở Hà Nội ngày 9/5, ông Nguyễn Thế Tân, Giám đốc VCCorp, cho biết đa số các công ty hàng đầu thế giới cũng là công ty công nghệ như Facebook, Google... Họ đứng đầu cả về số người dùng, doanh số, tầm ảnh hưởng, giá trị thị trường, làm ra những sản phẩm dịch vụ hoàn toàn toàn mới, giải quyết vấn đề mới. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào tạo điều kiện cho các sản phẩm sáng tạo dựa trên công nghệ của Việt Nam phát triển. Với thái độ dứt khoát, ông Tân rằng, tồn tại đầu tiên là tư duy cũ.

    "Làm thế nào để các công ty sáng tạo công nghệ mới có thể phát triển được với những tư duy cũ? Liệu một xã hội khủng long có thể xây dựng khung pháp lý cho loài người, cấp phép cho sinh vật dạng người được tồn tại?".

    [​IMG]

    Ông Nguyễn Thế Tân, Giám đốc VCCorp.

    Ông khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển công nghệ trên thế giới, như Vingroup có thể sản xuất tự động hóa 4.0, Viettel làm thiết bị mạng 5G hay trong mảng nội dung số có VNG với Zalo, VCCorp với nền tảng quảng cáo bằng công nghệ...

    "Trên thị trường công nghệ Việt Nam hiện nay có sự góp mặt của các công ty công ty công nghệ xuyên biên giới và doanh nghiệp công nghệ trong nước. Nhưng chính sách dành cho công ty sáng tạo công nghệ Việt Nam đang ở mức kém nhất. Ở Trung Quốc, doanh nghiệp sáng tạo công nghệ hưởng mức bảo hộ ưu đãi thuế 0%, ở Mỹ, Amazon lợi nhuận hàng tỷ USD nhưng đóng thuế 0 đồng. Còn ở Việt Nam, mức thuế mà những doanh nghiệp công nghệ phải đóng là 15-20% doanh thu. Đánh thuế là để phát triển các ngành quan trọng hay đánh thuế để thu cật lực?

    Bên cạnh vấn đề về thuế, ông Tân đề xuất cơ chế hỗ trợ cái mới, bao gồm coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường Việt Nam, coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ công nghệ trọn gói ra quốc tế (không phải outsourcing).

    'Khuyến khích doanh nghiệp công nghệ Việt bằng chính sách thuế'

    Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành đến từ Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, cho rằng để phát triển các cụm ngành công nghệ sáng tạo, ngoài yếu tố nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để phát triển công nghệ, yếu tố tài chính cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, rót vốn cho các startup trường kỳ là việc chính phủ không làm được, mà phải dựa vào các quỹ đầu tư mạo hiển, chấp nhận đầu tư dài hạn.

    [​IMG]

    Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright.

    "Vậy chính phủ có thể làm gì? Chính phủ có thể khuyến khích doanh nghiệp công nghệ phát triển bằng chính sách thuế, chẳng hạn ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho lực lượng nhân lực công nghệ, hay ưu đãi thuế cho các hoạt động R&D của doanh nghiệp.... Thế nhưng, một thực trạng là chính sách ưu đãi thuế có thể đã ban hành, nhưng riêng việc đi xin cho đủ giấy tờ chứng minh mình thuộc diện được hưởng ưu đãi cũng rất mệt mỏi, tốn kém. Ngược lại, các chính sách ưu đãi thuế mà chúng ta đang dành cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI lại đang làm rất tốt, rất nhanh", ông Thành so sánh.

    'Dữ liệu là tài nguyên quốc gia, doanh nghiệp Việt cần làm chủ'

    Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be, cũng đề cập đến những bất cập trong môi trường khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam: "Chính sách và điều kiện kinh doanh áp dụng cho các startup còn khắt khe, một số doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước, nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ".

    Theo ông, các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư bài bản, có chiều sâu, tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Ông nêu ví dụ, mạng xã hội và các nền tảng chia sẻ nội dung số mà mọi người đang sử dụng hoàn toàn là của nước ngoài, dữ liệu lưu trữ ở nước ngoài. "Chúng ta tránh phụ thuộc vào các công nghệ hay dịch vụ của các tập đoàn công nghệ nước ngoài, mà hiện nay họ đang khai thác thị trường của ta, chứ không phải đầu tư", ông Hải nói.

    Theo ông, tài sản quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ là dữ liệu, dữ liệu là tài nguyên quốc gia và các doanh nghiệp Việt cần làm chủ được tài nguyên này. Nhà nước cũng cần kiểm soát tài nguyên này vì an ninh không gian mạng cũng chính là an ninh quốc gia. "Để vươn tới khu vực, chúng ta phải có nền tảng trong nước, phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, không để mất thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài, để công nghệ có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống", đại diện Be khẳng định.

    Diễn đàn quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 9/5 tại Hà Nội, với sự tham gia và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Báo VnExpress phối hợp tổ chức. Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần VNG, Be Group, VCCorp, VSmart, Tập đoàn CMC, MISA, SaigonTourist, MK Group.

    Châu An


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Doanh nghiệp công nghệ Việt gặp bất lợi vì tư duy cũ

Share This Page