Dự án hỗ trợ bác sỹ trong chẩn đoán hình ảnh thông qua AI đang được tập đoàn triển khai tại Việt Nam. Chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam diễn ra sáng 9/5 tại Hà Nội, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, tập đoàn đang triển khai dự án "Trợ lý bác sỹ" với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe. Đảm nhiệm dự án này là giáo sư Trương Quốc Hùng, Giám đốc Viện VinBrain (thuộc VinTech), từng là lãnh đạo cao cấp của Google. Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. "Một thực tế rất đáng buồn là ngay ở Mỹ, thị trường chăm sóc sức khỏe tiêu tốn hơn 3.000 tỷ USD mỗi năm, việc bác sỹ chẩn đoán bệnh qua hình ảnh còn sai rất nhiều, là nguyên nhân dẫn đến khoảng 10% các ca tử vong", bà Thủy nói. "Chưa có con số thống kê tương tự cho thị trường Việt Nam nhưng tỷ lệ chẩn đoán sai có thể không thấp hơn ở Mỹ". Dự án Trợ lý bác sỹ mà giáo sư Trương Quốc Hùng đang chủ trì ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp cùng công nghệ thị giác máy tính (computer vision) và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) có thể giúp giảm thiểu sai sót trong chẩn đoán. "Nếu thành công, Vingroup sẽ tặng miễn phí ứng dụng này cho tất cả các bệnh viên trong toàn quốc để áp dụng rộng rãi, vì mục đích nhân đạo", bà Thủy cho hay. Trí tuệ nhân tạo được xem là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp. Trước đây, các nghiên cứu về AI chủ yếu mang tính lý thuyết nhưng ngày càng đi vào đời sống. Dự báo đến năm 2030, AI sẽ đóng góp 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Còn trong năm 2019, 40% các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số sẽ sử dụng công nghệ AI. Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ ứng dụng giải pháp AI vào điều trị ung thư. Ảnh: Quang Minh Một trong những ứng dụng to lớn của AI là vào y tế, trong đó nhiều công ty lớn trên thế giới đặt mục tiêu tạo ra những 'bác sĩ AI". Có thể kể đến hệ thống IBM Watson được phát triển để chẩn đoán ung thư. Với khả năng đọc 40 triệu tài liệu trong 15 giây để phân tích và tổng hợp khối lượng thông tin khổng lồ về những ca bệnh tương tự, hệ thống trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology (WFO) có thể đưa ra được những phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân ung thư để các bác sĩ tham khảo trước khi đưa ra quyết định về hướng điều trị. Hay công nghệ Google Deepmind được Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (UK National Health Services) dùng để tìm nguy cơ ung thư qua số liệu thu thập từ ứng dụng di động. Công ty Microsoft cũng đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh mù loà... "Thông thường, một bác sĩ X-quang mất từ 10 tới 30 phút để đánh giá một bản chụp cắt lớp vi tính khi sàng lọc các khối u bướu gây ung thư, trong khi đó trí tuệ nhân tạo chỉ cần vài giây", ông Wang Rui, Phó Chủ tịch Công ty kỹ thuật y học Huiying (Trung Quốc) cho biết. Tại Việt Nam, hệ thống AI chẩn đoán ung thư đã được vận hành ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh viện K và bệnh viện Ung bướu TP HCM với giải pháp IBM WFO trong hơn hai năm qua. Tuy nhiên, phầm mềm này chưa có phiên bản tiếng Việt và chưa có sự đánh giá dựa trên thực tiễn ở Việt Nam như đặc thù về cơ sở vật chất, danh mục thuốc hay sự quá tải bệnh viện. Ngoài ra, hệ thống chỉ mang tính chất hỗ trợ, không thay thế được bác sĩ khi đưa ra quyết định điều trị. Đình Nam Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ