Mỹ đang rơi vào kỷ nguyên đen tối nhất của dịch sởi kể từ khi căn bệnh này bị loại bỏ khỏi nước Mỹ năm 2000. Phần lớn nạn nhân là những trẻ em không tiêm phòng, thậm chí là một số người đã được tiêm vắc-xin sởi khi còn nhỏ vẫn có nguy cơ mắc bệnh, tùy thuộc vào độ tuổi. Đầu tháng 4/2019, các cán bộ y tế công cộng của Israel đã báo cáo trường hợp một phụ nữ Israel 43 tuổi rơi vào tình trạng hôn mê sâu do nhiễm trùng sởi, một biến chứng hiếm gặp của bệnh. Israel hiện đang phải vật lộn với dịch sởi bùng phát, và giống như ở Mỹ, phần lớn là do lây truyền giữa nhóm người không được tiêm chủng (người phụ nữ là một tiếp viên hàng không, thường xuyên bay qua lại giữa Mỹ và Israel, vì vậy cô có thể đã bị mắc bệnh từ một trong hai nước). Nhưng bản thân người phụ nữ này đã được tiêm phòng, nên tình trạng của cô không đến mức nặng như nhiều người mới mắc hiện nay. Ngày nay, trẻ em được tiêm hai liều sởi kết hợp, quai bị và rubella, hay còn gọi là vắc-xin MMR, bắt đầu từ khi lên một tuổi. Tuy nhiên, những năm 1980, người dân tại Mỹ và các quốc gia khác chỉ được tiêm một mũi. Chỉ đến năm 1989, sau một loạt các đợt dịch, các chuyên gia y tế công cộng ở Mỹ đã thông qua quy trình tiêm MMR hai liều. Vắc-xin MMR, giống như rất nhiều loại khác, không có hiệu quả hoàn toàn đối với bệnh sởi ngay cả với hai mũi tiêm (hiệu quả 97%), nhưng dù sao vẫn tốt hơn một mũi (hiệu quả 93%). Điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người sinh trước năm 1989 cần ngay lập tức đi tiêm vắc-xin MMR một lần nữa. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ khuyến cáo những người được tiêm vắc-xin trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến 1967 nên được tiêm vắc-xin MMR hiện tại, vì loại vắc-xin cũ không thực sự hiệu quả. CDC cũng khuyến nghị rằng những người trưởng thành chưa tiêm chủng nên tiêm ít nhất một lần để được bảo vệ. Chúng ta biết rằng khả năng miễn dịch bằng vắc-xin đối với bệnh sởi có thể suy yếu trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ sau đó, ngay cả ở những người đã tiêm hai mũi. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự bùng phát của bệnh quai bị ở những người trẻ tuổi có thể liên quan đến khả năng miễn dịch suy giảm với tốc độ nhanh hơn nhiều, dẫn đến một số nhà khoa học kêu gọi tiêm nhắc lại lần thứ ba vào năm 18 tuổi. Trong khi đó, CDC cho biết các cán bộ y tế công cộng có thể đề nghị tăng cường tiêm lần thứ ba cho những người có nguy cơ mắc quai bị, chẳng hạn như những người sống gần ổ dịch. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn sống ở một khu vực hiện đang có dịch sởi? Từ những gì chúng ta biết, không có nhiều lợi ích từ việc tiêm thêm mũi tiêm MMR thứ ba cho bệnh sởi. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ tiêm một mũi MMR (hoặc không nhớ thời gian tiêm chủng của mình), thì bạn nên đến hỏi bác sĩ về việc tiêm vắc-xin, đặc biệt khi bạn sinh sống ở nơi dịch bệnh đang hoành hành. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV