Hệ thống chẩn đoán ung thư dùng trí tuệ nhân tạo, thử nghiệm hai năm qua ở Việt Nam, cho kết quả tốt và là cơ sở để các bệnh viện đẩy mạnh sử dụng. IBM Watson for Oncology hỗ trợ bác sĩ chuyên ngành ung bướu đưa ra các lựa chọn trong phác đồ điều trị 13 loại ung thư phổ biến như vú, phổi, đại tràng, dạ dày... Hệ thống này đang được dùng ở nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Khác với phương pháp truyền thống, hệ thống IBM WFO sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tính toán đưa ra phác đồ dựa trên bệnh sử, tình trạng bệnh, các kết quả xét nghiệm đã làm của từng người bệnh.... Đặc biệt, các chỉ số xét nghiệm của người bệnh được đưa vào hệ thống phân tích cùng với tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị tốt nhất. Phần mềm IBM WFO giúp các bác sĩ cập nhật phác đồ mới, bổ sung thông tin và hạn chế những sai sót trong quá trình điều trị đồng thời đưa ra các gợi ý điều trị cho hầu hết các giai đoạn, chuyên sâu về hoá trị, nội tiết. Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ ứng dụng IBM WFO vào điều trị ung thư. Ảnh: Quang Minh Tại Việt Nam, IBM WFO đã được triển khai thử nghiệm trong hai năm, tại ba cơ sở là bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh viện K và bệnh viện Ung bướu TP HCM. Hiện nay tại bệnh viện K Trung ương có 200 thử nghiệm với các bệnh nhân ung thư vú, phổi, dạ dày, đại trực tràng. Sau 3 tháng thử nghiệm, kết quả cho thấy sự tương đồng giữa phác đồ mà hệ thống IBM WFO đưa ra và phác đồ của bác sĩ của bệnh viện là trên 90%. Điều này cho thấy các bác sĩ của bệnh viện đã cập nhật và sử dụng các phác đồ điều trị ung thư tiên tiến trên thế giới. Bác sĩ Đào Văn Tú, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K, cho biết: "Đây là một công cụ để bác sĩ chuyên ngành ung thư tham khảo, tra cứu, bổ sung thông tin và hạn chế những sai sót trong quá trình điều trị, đồng thời bồi dưỡng bác sĩ trẻ". Hai bệnh viện hàng đầu về điều trị ung thư tại Việt Nam là Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư, giúp người bệnh được hưởng nhiều lợi ích hơn trong quá trình điều trị và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, phầm mềm IBM WFO hiện nay chưa có phiên bản tiếng Việt và chưa có sự đánh giá dựa trên thực tiễn ở Việt Nam như đặc thù về cơ sở vật chất, danh mục thuốc hay sự quá tải bệnh viện. Ngoài ra, hệ thống chỉ mang tính chất hỗ trợ, không thay thế được bác sĩ khi đưa ra quyết định điều trị. Tiến sĩ Trần Quý Tường, Cục trưởng cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cho rằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo là xu hướng tất yếu của thời đại. "Đó cũng là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm quá tải bệnh viện, góp phần làm hài lòng người bệnh", ông Tường nói. Thuỳ An Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress