20% rượu uống vào cơ thể được dạ dày hấp thu nhanh, 30-60 phút sau toàn bộ rượu đã được các bộ phận hấp thu xong. Tiến sĩ Clare Morrison cho biết không một bộ phận cơ thể nào không chịu tác động của rượu khi bạn uống, nặng nhất là não và hệ thần kinh trung ương, đến gan, thận, tim, dạ dày... Dạ dày hấp thu nhanh 20% rượu, sau đó đến ruột non và lên não. "Cảm giác say rượu đến khi nồng độ cồn trong máu tăng, do bạn uống nhiều rượu khiến gan không làm việc kịp", tiến sĩ Morrison nói. Trung bình mất khoảng một giờ để cơ thể phân hủy một đơn vị rượu. Thời gian này có thể sớm hay muộn hơn tùy theo tuổi, cân nặng... của người uống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Chỉ 10 phút uống rượu, bạn sẽ cảm nhận được ảnh hưởng của rượu lên toàn cơ thể. Ảnh: Health Miệng và cổ họng Say rượu có thể khiến cho bạn bỗng nói nhiều hơn hoặc không kiềm chế được lời nói của mình. Người say thường nói lời hung hăng, tức giận không kiểm soát được bản thân. Uống rượu thường xuyên làm tăng nguy cơ ung thư miệng, cổ họng... Mắt Say rượu khiến nhiều người rơi vào tình trạng choáng váng, nhìn mờ. Khi say, bạn khó kiểm soát được khi điều khiển phương tiện nên có thể dẫn đến tai nạn. Nguyên nhân là nồng độ cồn trong máu cao cản trở quá trình suy nghĩ và phối hợp của các cơ khiến việc đi lại khó khăn. Não Cơ quan phải chịu đựng nhiều nhất là hệ thần kinh trung ương. Khoảng 75% số cồn ở trong máu đến não. Các tế bào thần kinh rất nhạy cảm trước bất cứ chất độc nào. Cồn cũng là loại chất độc gây những rối loạn trầm trọng đến hoạt động của vỏ não và làm cho vỏ não không còn kiểm soát, điều chỉnh được hoạt động của các trung tâm dưới vỏ. Năng lực tự kiểm tra và bản lĩnh "tự phê trong ứng xử" của người uống rượu mất đi rất nhanh. Sau khoảng một giờ uống, khả năng phán đoán và tập trung của người uống rượu bị suy giảm, có thể dẫn đến buồn ngủ và trong một số tình huống là hôn mê. Mất trí nhớ cũng có thể là kết quả của tình trạng uống nhiều rượu thường xuyên, do rượu ngăn chặn não lưu giữ ký ức. Tim Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, suy tim, nhịp tim không đều, tăng huyết áp cao, đặc biệt là ở nam giới. Rượu làm tăng nguy cơ ung thư và tổn thương cho thai nhi ở phụ nữ mang thai. Trái tim của những người nghiện rượu to gấp đôi người bình thường, y học thường gọi là "tim bò" hoặc "tim bia". Hệ tim mạch bị tổn thương do rượu gây đau đầu, khó thở, mắt cá sưng to. Thận Uống rượu dẫn đến lợi tiểu nên bạn bị mất nước, các khoáng chất quan trọng như magiê và canxi bị mất qua nước tiểu hoặc nôn mửa. Khi ấy nhịp tim không đều, người bệnh co giật. Gan Sau khi uống, rượu được chuyển hóa phần lớn tại gan. Một lượng nhỏ rượu còn nguyên dạng thải ra ngoài qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu. Uống rượu nhiều là nguyên nhân dẫn đến bệnh về gan và cực nguy hiểm với những người đang bị bệnh gan. Bệnh gan liên quan đến rượu thường không có triệu chứng cho đến khi gan bị tổn thương nghiêm trọng. Triệu chứng gan suy là ốm yếu, giảm cân và chán ăn. Dạ dày Rượu được hấp thụ 20% tại dạ dày. Uống nhiều có thể gây nôn, buồn nôn, tiêu chảy, ợ nóng và chán ăn. Thông thường bạn sẽ bị mất nước sau khi nôn hoặc tiêu chảy. Phổi Khi bạn say rượu, nguy cơ viêm phổi tăng lên bởi nồng độ rượu trong máu cao ngăn phản xạ ho làm giảm khả năng làm sạch phổi. Các chất nhầy hoặc chất lạ do nôn mửa lọt vào phổi sẽ dẫn đến nhiễm trùng. Tuyến tụy Uống nhiều bia rượu có thể làm hẹp các ống nhỏ dẫn lưu dịch trong tuyến tụy nên tắc nghẽn, cuối cùng gây ra viêm tụy cấp. Xương và cơ bắp Rượu liên quan đến nhiều loại chấn thương, như chấn thương do tai nạn giao thông, đánh nhau, té ngã. Nguyên do là nồng độ cồn trong máu cao làm suy yếu quá trình suy nghĩ của não và sự phối hợp của các cơ, người uống trở nên vụng về và khó đi lại. Nghiện rượu về lâu dài còn gây loãng xương, bệnh gút. Thùy An (Theo Express) Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress