Để chào mừng tuổi thứ 29, Kính Thiên văn Không gian Hubble đã chụp bức ảnh mới nhất về một tinh vân đầy màu sắc. Tinh vân Con cua Phương nam có tên định danh là Hen 2-104, nằm cách Trái Đất hàng ngàn năm ánh sáng trong chòm sao Centaurus ở bán cầu nam. Tinh vân này có hình dạng rất đặc biệt, như hai chiếc đồng hồ cát lồng vào nhau và chúng xoay quanh một hệ sao đôi nằm ở trung tâm. Tinh vân Con cua Phương nam hay Hen 2-104 được Kính Thiên văn Không gian Hubble chụp vào tháng 3 năm 2019. (Ảnh: NASA, ESA, STScI). Hệ sao này gồm một ngôi sao khổng lồ màu đỏ đã già cỗi và một ngôi sao lùn trắng đang đốt cháy nhiên liệu dữ dội. Ngôi sao khổng lồ đỏ đang đốt cháy những phần vật chất cuối cùng của mình, khiến lớp vỏ của nó bị thải ra ngoài rồi lượng vật chất này bị hút ngay bởi ngôi sao lùn trắng đồng hành. Kết quả là cả hai ngôi sao cùng tạo nên một đĩa vật chất phẳng kéo dài và vây quanh chúng. Chiếc đĩa vật chất này không để khí thoát ra vì lực hấp dẫn bên trong quá lớn, cuối cùng vật chất bồi tụ ngày càng nhiều ở bên trong và tạo nên chiếc đồng hồ cát khổng lồ trong vũ trụ. Các bong bóng khí và bụi xuất hiện ở những cạnh sáng nhất của chúng, tạo nên một hình ảnh tựa như những chiếc chân cua. Những đôi chân này có khả năng cao chính là dòng thoát của khí bụi bên trong được đẩy vào môi trường liên sao ở bên ngoài. Khác với các quan sát trong quá khứ, công nghệ mới giúp chúng ta có thể quan sát các thành phần hóa học của tinh vân qua các bước sóng khác nhau. (Ảnh: NASA, ESA, J. DePasquale (STScI)). Dòng chảy khí thoát ra bên ngoài đó có chiều dài lên đến hàng ngàn năm ánh sáng nhưng cũng chỉ là một phần rất nhỏ của cả hệ thống to lớn này. Điều này có nghĩa là cấu trúc bạn đang xem được trải rộng đến hàng vạn năm ánh sáng nhưng phần trung tâm đồng hồ cát là sự kiện diễn ra gần đây hơn. Sau tất cả, ngôi sao khổng lồ đỏ sẽ sụp đổ thành một ngôi sao lùn trắng và nơi đây sẽ có hai sao lùn trắng. Cả hai sao lùn này sẽ chiếu chút ánh sáng yếu ớt cuối cùng của mình vào lớp vỏ tinh vân và rồi nơi này sẽ được gọi là tinh vân hành tinh. Thiên thể này được phát hiện lần đầu vào thập niên 1960 nhưng các nhà thiên văn lúc đó bỏ qua và chỉ xem nó như là một ngôi sao bình thường. Mãi đến năm 1989, các nhà thiên văn sử dụng kính thiên văn ở Đài thiên văn La Silla thuộc Đài thiên văn Nam Châu Âu ở Chile để quan sát thì mới phát hiện ra hình dạng thật sự của nó. Nhưng những quan sát ban đầu chỉ thấy được chiếc đồng hồ cát đang bao quanh một vùng trung tâm rực sáng. Đến năm 1999, kính Hubble chụp một bức ảnh chi tiết về tinh vân này và người ta phát hiện ra có rất nhiều cấu trúc phức tạp lồng ghép lên nhau. Quan sát quang phổ của tinh vân Hen 2-104. Trong hình ảnh mới nhất được chụp vào năm 2019, chính là hình ảnh mà bạn đang xem, kính Hubble chụp Hen 2-104 qua Máy ảnh Trường nhìn rộng 3 nên cho ra hình ảnh rất sắc nét và thu nhận được chi tiết qua các bước sóng khác nhau. Màu đỏ trong ảnh chính là lưu huỳnh, trong khi hydro có màu xanh lá và màu cam là của nito cùng màu xanh lam là của oxy. Kính Thiên văn Không gian Hubble được phóng lên vũ trụ bởi tàu con thoi Discovery vào ngày 24 tháng 4 năm 1990. Từ vị trí của kính trong không gian, nó có thể quan sát được các thiên thể ở xa một cách rõ ràng vì không bị ảnh hưởng bởi bầu khí quyển dày đặc và ô nhiễm của Trái Đất. Trong suốt 29 năm qua, kính Hubble đã đạt được nhiều thành tựu và phát hiện được những đột phá về thiên văn học. Trong số những dấu ấn của kính Hubble, không thể không kể đến công nghệ phát hiện ngoại hành tinh qua việc quan sát ngôi sao chủ của nó, thăm dò tính chất hóa học trong khí quyển của các hành tinh ở xa hay xác định siêu lỗ đen tại một thiên hà khổng lồ. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV