Nhờ kỹ thuật thay thế ty thể trong tế bào, em bé ở Hy Lạp chào đời mang ADN của bố mẹ ruột cùng người phụ nữ hiến trứng. Các bác sĩ Hy Lạp và Tây Ban Nha vừa tạo ra em bé đầu tiên trên giới có ba bố mẹ. Bé trai chào đời ngày 9/3 nặng 2,9 kg, sức khỏe ổn định. Tiến sĩ Panagiotis Psathas, Chủ tịch Viện Sự sống Athens (Hy Lạp) cho biết mẹ em bé là một phụ nữ Hy Lạp 32 tuổi từng bốn lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại. Cùng với 24 phụ nữ khác, cô tham gia thử nghiệm phương pháp Maternal Spindle Transfer do Viện Sự sống Athens kết hợp với trung tâm Embryotools (Tây Ban Nha) tiến hành. Ảnh: Metro. Phương pháp Maternal Spindle Transfer sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa tế bào trứng. Cụ thể, các nhà khoa học loại bỏ nhân trong tế bào trứng chứa ty thể bất thường của người mẹ, sau đó chuyển nhân này sang tế bào trứng khỏe mạnh đã bỏ nhân của người hiến. Tế bào trứng của người hiến mang nhân của người mẹ được thụ tinh với tinh trùng của người cha. Bằng cách này, người mẹ vẫn bảo toàn được vật chất di truyền trong nhân tế bào mà lại ngăn ngừa được các bệnh liên quan đến ty thể. Em bé chào đời bằng phương pháp Maternal Spindle Transfer mang ADN của ba đối tượng là bố mẹ ruột và người cho trứng. Tiến sĩ Nuno Costa-Borges, nhà sáng lập trung tâm Embryotools nhận định: "Thành công của phương pháp Maternal Spindle Transfer đánh dấu cuộc cách mạng trong hỗ trợ sinh sản". Nhờ vậy, "vô số phụ nữ sẽ thực hiện giấc mơ được làm mẹ với chính vật chất di truyền của mình". Ngoài bé trai đã chào đời, hiện Viện Sự sống Athens và trung tâm Embryotools tiếp tục thử nghiệm 8 bào thai khác. Tại Anh, các bác sĩ đã bắt tay vào việc tạo ra em bé có ba bố mẹ từ tháng 2/2018. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng kỹ thuật này dẫn đến nhiều vấn đề đạo đức như cố tình lựa chọn đặc điểm về ngoại hình, tính cách. Hơn nữa, mức độ an toàn cũng chưa được chắc chắn. Minh Nguyên (Theo Metro) Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress