Video quảng cáo việc ăn burger bằng đũa bị nhiều người dùng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram hay thậm chí cả Weibo chỉ trích. Tuần trước, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Burger King đã tung một quảng cáo thương mại trên Instagram khu vực New Zealand, miêu tả việc sử dụng đũa để ăn bánh mỳ kẹp thịt. Trong đó, những khách hàng phương Tây phải vật lộn để ăn một chiếc burger mới, được quảng cáo là "kiểu Việt Nam" với một đôi đũa quá khổ. "Đưa vị giác của bạn đến TP HCM với món bánh Tendercrisp (sandwich gà) sốt ớt ngọt kiểu Việt Nam", quảng cáo viết. Nhưng ngay sau khi xuất hiện, đoạn video này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và rất mãnh liệt của người dùng Internet. Nhiều người cho rằng Burger King đang có ý phân biệt chủng tộc và châm biếm cách dùng đũa của một số quốc gia châu Á. Trong đó làn sóng phản đối điển hình nhất là trên Facebook, Twitter ở Việt Nam và Weibo ở Trung Quốc. Quảng cáo của Burger King bị chỉ trích là phản cảm. Ảnh Instagram "Không thể tin những quảng cáo như vậy vẫn tồn tại. Càng khó tin hơn khi một công ty lớn như thế này lại chấp nhận sử dụng chúng", Maria Mo, một người New Zealand gốc Hàn Quốc chia sẻ quan điểm. Cô cho biết lần đầu xem video này còn tưởng mình nhầm lẫn cái gì đó. Maria Mo cũng cho rằng tương ớt ngọt phổ biến ở Thái Lan hơn là Việt Nam. Hashtag #BurgerKingGetOutOfVietNam đang được hàng nghìn người sử dụng trên các mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter và bị spam rất nhiều lần trên trang fanpage chính của Burger King. Đi kèm, nhiều bạn trẻ cũng lan truyền thông điệp: "Bánh mỳ Việt Nam vẫn là nhất". Còn trên Google, hệ thống các cửa hàng Burger King cũng đồng loạt bị người dùng đánh giá một sao, cùng những bình luận đậm tính chỉ trích. Tháng 11 năm ngoái, Dolce & Gabbana cũng gặp phải một tình huống tương tự ở Trung Quốc khi bị người dùng nước này tẩy chay, bởi sử dụng một video quảng cáo có nội dung ăn bánh pizza bằng đũa. Hệ quả khiến công ty buộc phải hủy một buổi trình diễn thời trang lớn ở Thượng Hải. Đây cũng được cho là lý do khiến nhiều người dùng trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, tỏ ra đồng cảm và cùng lên tiếng phản đối Burger King dịp này. Chỉ một thời gian ngắn sau khi video quảng cáo được lan truyền, nó nhanh chóng trở thành một trong những chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên Weibo. Một số người đã chỉ trích Burger King vì phân biệt chủng tộc, chế giễu các khách hàng châu Á. "Đũa không phổ biến, nó tượng trưng cho một số quốc gia ở Đông Á. Trong hàng ngàn năm qua, đũa được sử dụng với nhiều ý nghĩa văn hóa khác nhau. Hành động lần này của thương hiệu nước ngoài đó là rất thiếu tôn trọng", một người dùng Weibo có tên Hong Kong CYH viết. "Họ lại muốn trở thành D&> thứ hai?", một người khác bình luận. Người dùng Internet ở Trung Quốc so sánh quảng cáo của Burger King với scandal D&> trước đó. Nguồn: Weibo. Tuy nhiên, vẫn có những người coi đây chỉ là một quảng cáo sáng tạo và độc đáo. Họ cũng phê phán những người khác đã buộc tội vội vàng, nổi giận vì một vấn đề không quá lớn. "Quảng cáo của D&> nghiêm trọng hơn, vì nó phản ánh việc cô người mẫu chỉ dùng đũa để ăn mọi thứ. Còn Burger King giống như một dạng thử thách khó với người phương Tây trong việc dùng đôi đũa khổng lồ để ăn bánh, mang tính vui đùa hơn là nghiêm túc", một bình luận trái chiều nhận được nhiều sự tương tác của người dùng. Đáp lại phản ứng dữ dội của người dùng Internet ở nhiều quốc gia, Burger King đã lên tiếng xin lỗi. Công ty cũng cho biết đã yêu cầu cửa hàng nhượng quyền của mình ở New Zealand loại bỏ quảng cáo trên ngay lập tức. Các chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo đánh giá Burger King đã không nghiên cứu kỹ để hiểu rõ tâm lý khách hàng. Sự việc cũng một lần nữa phản ánh sức mạnh của các phương tiện truyền thông xã hội, cũng như hệ quả của nó có thể mang lại nếu một thương hiệu hay công ty phạm sai lầm. Bảo Nam Let's block ads! (Why?)Theo Trang Công Nghệ