Không biết tự lúc nào em bỗng thấy nhớ và mong được nói chuyện với cậu ấy. Có đợt em nhớ đến khó chịu, em muốn được ôm cậu ấy nhưng không hề muốn quan hệ đồng giới. Em là con trai, từ nhỏ đến lớn khá bình thường, chỉ hơi rụt rè so với các bạn nam khác nên em cũng hay bị trêu chọc, bị gọi là "bóng". Nhưng càng lớn thì phần nam tính của em mạnh hơn, nó át đi và em ít bị chọc hơn. Em cũng thấy bình thường, hòa đồng với cuộc sống, có khá nhiều bạn cả khác phái lẫn cùng phái. Ảnh minh họa: Thi Trân. Hiện tại em chưa có người yêu. Trong suy nghĩ của em thích du lịch, vui chơi với các bạn, chưa thích cái gì đó gắn bó lâu dài. Chuyện cứ diễn ra bình thường đến khi em gặp một bạn trai, cậu ấy cao, khá đẹp trai, khỏe mạnh, nhưng có vẻ hơi con nít. Lúc đầu thì cũng gặp nhau bình tthường, em cũng ấn tượng vậy thôi. Sau đó do em cũng dễ hòa đồng cậu ấy và nói chuyện nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn về công việc. Không biết tự lúc nào em bỗng thấy nhớ và mong được nói chuyện với cậu ấy. Có đợt em nhớ đến khó chịu, em muốn được ôm cậu ấy (nhưng không hề muốn quan hệ đồng giới). Sau đó em cứ để tình cảm vậy, không dám nói. Dần dần công việc, các mối xã hội khác kéo em xa cậu ấy hơn, cảm giác đó cũng nhạt dần nhưng vẫn có cái gì len lỏi trong đầu. Em thấy mình chênh vênh, không rõ mình là ai, gay cũng không đúng mà nam thì chưa hẳn, tình cảm thật xáo trộn. Em muốn được chia sẻ để có thể dễ dàng hơn trong cuộc sống. (Dinh). Trả lời: Chào bạn, Trong thư bạn không nói rõ về độ tuổi của mình nên khá khó khăn cho tôi khi giải đáp thắc mắc. Bởi nếu bạn còn nhỏ thì vấn đề sẽ khác, còn bạn đã trưởng thành thì sẽ khác đi, do đó cách nhìn nhận vấn đề sẽ khác nhau. Nói chung cuộc sống của ai trong chúng ta cũng cần có không chỉ một mà là rất nhiều người bạn tâm giao với mình. Vì lẽ đó mà tình bạn chân thật cũng xuất phát từ những cảm xúc như mến nhau, thích nhau… Đó đều là các cảm xúc thật và rất ấn tượng với riêng mỗi người. Trường hợp của hai bạn, tình cảm cũng bắt đầu từ những đều tương tự như thế trong mối quan hệ xã hội. Bạn gặp một người, nói chuyện thấy vui vẻ với họ, thấy gần gũi, hòa đồng với họ. Tất cả những điều ấy đều là những cảm xúc thật tự nhiên phải không? Trong tình huống bạn gặp cậu con trai kia, tôi có suy nghĩ có lẽ trong thời điểm đó bạn đang rất cô đơn nên cậu kia chính là người mà bạn có thể chia sẻ mọi thứ. Đó là một tình bạn cao quý, làm cho bạn thấy vui vẻ và trân trọng. Tuy nhiên vấn đề nảy sinh khi bạn không chỉ dừng lại ở sự sẻ chia bình thường như bao bạn bè khác mà chính bạn đã hơi đẩy cảm xúc và suy nghĩ của bản thân lên cao. Từ đó dẫn đến tình trạng dường như bị phụ thuộc hay lệ thuộc vào mối quan hệ mang tính cảm xúc này, làm bạn thấy nhớ nhung, khó chịu khi không gặp gỡ người đó. Và thời gian sau, khi có nhiều công việc và mối bận tâm hơn, thì chính bạn cũng bắt đầu tự tách dần sự lệ thuộc của bản thân về người bạn này ở khía cạnh cảm xúc và suy nghĩ. Nhưng cuộc sống mà, đâu phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Cũng có lúc đường đời xuất hiện giông tố. Và những lúc như vậy bạn lại cảm thấy "sức khỏe tâm trí" mình như yếu đi. Rồi như một thói quen, lúc ta thấy mình chán nản, ta lại có xu hướng muốn tìm về nơi có những cảm xúc dễ chịu mà trước đó ta đã trải qua. Những lúc như thế tâm trí lại hướng bạn đến những hình ảnh vui vẻ trước đây của bản thân. Song thực tế là bạn lại không thể có được cái cảm xúc, cảm giác như cái mà bạn mong chờ trong tâm trí mình. Hệ lụy là dẫn đến tình trạng bạn cảm thấy bản thân như chênh vênh, trống trải. Thật ra để trả lời rằng bạn có phải là "gay" hay không, đó là một việc phức tạp, đòi hỏi một quá trình thăm khám, đánh giá và theo dõi trong một thời gian dài. Lúc đó cần nhờ đến sự trợ giúp của các bác sĩ chuyên khoa tâm lý thần kinh, chứ không chỉ đơn thuần mình nghĩ như vậy là mình y như thế. Vì thông tin bạn cung cấp quá hạn chế, nên tôi nghĩ và đặt ra một giả thiết là có thể bạn đang ở trong một giai đoạn "rối loạn về mặt cảm xúc". Do đó, nếu bạn mong muốn tìm hiểu về giới tính của bản thân cũng như muốn thoát khỏi các trạng thái cảm xúc trống rỗng, mơ hồ như thế hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm lý thần kinh ở các bệnh viện có khoa tâm lý y học, hoặc Viện tâm lý thực hành TP HCM. Ở đây sẽ có các bác sĩ chuyên khoa, họ sẽ thăm khám và đánh giá chính xác tình trạng của bạn và có kế hoạch hỗ trợ cụ thể. Thân ái! Nguyễn Trung Nguyên Giám đốc điều hành Viện tâm lý thực hành TP HCM Nguồn VNExpress