CEO Loglag: 'Vận tải nội địa còn chưa khai thác hết tiềm năng công nghệ'

Discussion in 'Kỹ năng nghề nghiệp' started by Robot Siêu Nhân, Mar 27, 2019.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 150)

    Loglag là startup nổi bật trong lĩnh vực vận tải, logistics tại Việt Nam. Với thế mạnh về công nghệ AI, Big Data, ứng dụng của Loglag đem đến các giải pháp về quản lý và tối ưu hóa lộ trình, quản lý đơn hàng, quản lý đội xe, kết nối một cách thông minh chủ xe với xe nhàn rỗi nhằm giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp.

    Đại diện VIISA từng đánh giá, đây là mô hình khả thi với thị trường, phục vụ được một lượng khách hàng lớn và uy tín cùng đội ngũ xe tải, xe container ổn định.

    Chị Cao Thị Anh Thư - CEO của Loglag có những chia sẻ về cơ hội, thách thức khi khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

    - Chị đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường vận tải tại Việt Nam?

    - Với trị giá hơn 11,5 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng hơn 9% mỗi năm, ngành vận tải hàng hóa nội địa cực là một mảnh đất cực kỳ màu mỡ, nhưng vẫn còn nhiều mảng bỏ trống, chưa được khai thác.

    Minh chứng là giá cước vận chuyển của Việt Nam vẫn nằm ở mức cao so với trong khu vực. Chi phí logistics chiếm 25% tổng GDP, trong đó, có 60% là chi phí vận tải. Ngành vận tải truyền thống Việt Nam hiện đang hoạt động rời rạc, nhỏ lẻ và thiếu sự kết nối. Khách hàng vẫn thực sự cần một dịch vụ vận chuyển có thể đáp ứng tiêu chí giá rẻ, dịch vụ tốt, hàng hóa an toàn, đảm bảo thông tin về chuyến hàng trong suốt quá trình thực hiện.

    [​IMG]

    Cao Thị Anh Thư - CEO của startup vận tải Loglag.

    Sự bùng nổ của điện thoại thông minh, máy tính bảng cũng như các ứng dụng di động đã thúc đẩy công nghệ vận tải phát triển. Như tại cảng Cát Lái, quy trình nâng hạ xe ra vào cảng hầu như đã được quản lý điện tử và công nghệ.

    Khái niệm ứng dụng đặt xe tải, xe container đã bắt đầu được biết đến tại Việt Nam trong một vài năm gần đây. Ngày càng nhiều startups coi công nghệ là yếu tố then chốt để giải quyết những bất cập của ngành.

    - Vậy các ứng dụng công nghệ vận tải đã tạo ra những thay đổi gì cho vận tải hàng hóa?

    - Công nghệ có thể ứng dụng tốt trong quản lý xe, tài xế, điều xe, quản lý đơn hàng, tối đa hiệu suất xe, tăng thu nhập cho tài xế.

    Ví dụ với ứng dụng Loglag, công nghệ được khai thác triệt để để kết nối xe, tối ưu hóa lộ trình. Loglag tập trung khai thác xe rỗng chiều về, xác định tuyến cụ thể như TP HCM - Miền Tây hay TP HCM - Tây Nguyên), xe kết hợp tiện chuyến, kết nối hàng tìm xe với xe cần hàng nhanh chóng. Nhờ đó, chủ xe có xe nhàn rỗi vẫn có thể nhận hàng để chạy với giá cạnh tranh. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu tích hợp hộp đen xe tải, xe container vào ứng dụng của mình nhằm hỗ trợ chủ xe gói định vị miễn phí sớm nhất.

    [​IMG]

    Loglag là một trong những startup được đánh giá cao tại Cuộc thi Startup Việt 2018 do VnExpress tổ chức.

    Công nghệ giúp xử lý công việc hiệu quả cũng như chính xác hơn gấp nhiều lần so với truyền thống. Thông thường một nhân viên theo dõi đơn hàng theo truyền thống, mỗi ngày chăm sóc được tốt khoảng 10 đơn hàng, thì có sự hỗ trợ của công nghệ, họ có thể chăm sóc hàng trăm, hàng ngàn đơn hàng mỗi ngày.

    - Đâu là bài toán mà các ứng dụng công nghệ vận tải nội địa hiện đang gặp phải?

    - Trước hết là suy nghĩ và thói quen của các chủ xe, tài xế không dễ để thay đổi một sớm một chiều. Phần lớn họ vẫn còn có cái nhìn e ngại, không tích cực với công nghệ. Khi nghe về "công nghệ Uber cho xe tải", họ hiểu nôm na là giá sẽ bị kéo xuống nhiều, bị cạnh tranh bởi công nghệ giống như vận tải hành khách, dù đây là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Do đặc thù lái xe đêm, mất ngủ thường xuyên, nhiều tài xế vẫn ngại khi học công nghệ mới. Với chủ xe, họ vẫn đang quen với việc có hàng thì gọi thương lượng, được giá là nhận chứ không quen dùng công nghệ. Nhìn chung, vận tải nội địa còn chưa khai thác hết tiềm năng công nghệ, người dùng tại Việt Nam vẫn chưa thấy được hết tiện ích của ứng dụng công nghệ đặt xe tải.

    Ngoài ra, vấn đề con người cũng cần được chú trọng. Làm sao để nghề lái xe tải, xe container trở thành một nghề được đào tạo bài bản, có chế độ làm việc và thu nhập ổn định, xứng đáng đặt ra câu hỏi lớn.

    - Vậy theo chị, giải pháp ở đây là gì?

    - Tôi nghĩ, việc quảng bá, hướng dẫn, đào tạo cách sử dụng ứng dụng là bước rất quan trọng để tạo tiền đề cho một cuộc cách mạng trong ngành vận tải hàng hóa.

    Đây cũng là một trong những giải pháp trọng tâm của ứng dụng vận tải của Loglag. Các tính năng nhắc nhở quan trọng từ chủ hàng sẽ được đẩy thành thông báo đến điện thoại tài xế để tránh việc tài xế làm sót yêu cầu của khách hàng.

    Công nghệ là quan trọng, nhưng hơn hết vẫn là yếu tố con người. Đội ngũ Chăm sóc khách hàng của Loglag phục vụ theo dõi đơn hàng 24/7, hỗ trợ tài xế khi cần. Chúng tôi bảo lãnh trách nhiệm hàng hóa đối với chủ hàng và bảo lãnh việc thanh toán đối với chủ xe. Các hợp đồng ký kết giao các chủ xe đều được xác thực kỹ càng để thực hiện các chuyến hàng đó.

    Đồng thời, chúng tôi có chính sách khuyến khích chủ xe và chủ hàng tải đăng ký ứng dụng. Với các đơn hàng được thực hiện qua ứng dụng sẽ được tích lũy điểm để được giảm giá dùng trong các chuyến hàng sau hoặc đặt xe qua ứng dụng giá sẽ tốt hơn đặt qua tổng đài điện thoại.

    - Kế hoạch trong tương lai của Loglag là gì?

    - Hiện tại, hệ thống của Loglag đã tuyển dụng và xác thực hơn 1.200 xe tải, xe đầu kéo các loại, thực hiện hơn 20 chuyến hàng mỗi ngày. Số lượng users tải, đăng ký ứng dụng tăng 5-7 users mỗi ngày.

    Loglag dự kiến lộ trình công nghệ hóa trong vòng 3-5 năm, tiến đến công nghệ hóa 100% năm vào 2023. Chúng tôi đặt mục tiêu đạt tổng giá trị giao dịch 41 triệu đô vào năm 2021.

    Loglag cũng đang trong quá trình nâng cấp sản phẩm, dự kiến ra mắt trong năm 2019. Theo đó, ứng dụng mới sẽ cải tiến hệ thống định vị, theo dõi hành trình chuyến hàng. Loglag cũng hướng đến xây dựng bản đồ riêng thay vì phải phụ thuộc vào Google để người dùng chủ động hơn, do tuyến đường xe tải, xe container khác với xe ô tô.

    [​IMG]

    Giao diện ứng dụng mới của Loglag.

    Năm 2019, Loglag sắp sửa ra đời quỹ từ thiện hỗ trợ tài xế có hoàn cảnh khó khăn và quỹ học bổng dành cho con, em tài xế có thành tích xuất sắc. Phương châm kinh doanh của Loglag là kết nối, tạo nên một môi trường lành mạnh, chăm sóc đời sống của các tài xế - vốn còn chưa được thực sự chú trọng trong ngành vận tải hàng hóa hiện nay.

    Phong Vân

    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress
     
  2. Facebook comment - CEO Loglag: 'Vận tải nội địa còn chưa khai thác hết tiềm năng công nghệ'

Share This Page