Cục Thú ý dự kiến sẽ xét nghiệm lại khoảng 500 mẫu (từng cho kết quả dương tính với cúm A trước đây) để xem virus H7N9 - đang gây bệnh trên người ở Trung Quốc - đã xuất hiện ở Việt Nam hay chưa. Thông tin được tiến sĩ Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y chia sẻ tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch cúm H7N9 do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Hà Nội ngày 13/4. Công tác xét nghiệm đang được tiến hành và sẽ có kết quả trong vài ngày tới. Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng sẽ chủ động lấy mẫu xét nghiệm virus H7N9 từ các nhóm gia cầm có nguy cơ gồm: gà đẻ thải loại, gà con giống, lợn và chim bồ câu… tại các chợ, điểm tập kết trung chuyển động vật, tại các địa phương khu vực biên giới… Ảnh minh hoạ: Nam Phương. Ông Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số mắc cúm H7N9 tại Trung Quốc tính đến hôm nay là 44, tử vong 11, trong đó tập trung nhiều nhất tại thành phố Thượng Hải. Tỷ lệ tử vong hiện là khoảng 26%, số mắc chủ yếu là nam giới (chiếm 71%). Nhóm tuổi mắc cao nhất là 60-70, có thể do tuổi cao, sức khoẻ yếu hơn, nên nguy cơ nhiễm cao hơn. Tuy nhiên, tất cả các độ tuổi đều có thể mắc. Thời gian từ ngày khởi phát đến khi xác định trung bình là gần 11 ngày. “Tình hình tại nước bạn hiện rất phức tạp, số mắc, tử vong tăng lên từng ngày. Dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát rất cao ở nước ta rất cao. Biết đâu ở Việt Nam virus này đã có trên gia cầm mà chưa biết”, ông Phu nói. Cũng theo ông Phu, vấn đề vận chuyển, nhập lậu gia cầm qua biên giới hết sức phức tạp, khó có khả năng ngăn chặn. Việc giao lưu đi lại của người dân giữa hai nước là rất lớn, trong khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch. Đặc tính của virus cúm A lại dễ biến đổi, cộng thêm tích thích nghi cao của chủng virus cúm này nên nguy cơ lây nhiễm từ người sang người là có thể xảy ra. Quốc tế đang lo ngại virus này lây từ gia cầm sang người, người sang người và có thể trở thành đại dịch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tình trạng dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc gây nên nên những lo lắng do nhiều ca bệnh nặng, bệnh phân bố trên diện rộng, ổ bệnh, phương thức lây nhiễm đều chưa xác định, virus có sự thay đổi. Bên cạnh lo đối phó với dịch cúm H7N9, một mối nguy đang hiện hữu ở nước ta là dịch cúm gia cầm H5N1. Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc hôm nay (13/4) cũng đã công bố trường hợp đầu tiên nhiễm virus cúm H7N9 là một bé gái 7 tuổi. Tân hoa xã đưa tin, trước đó, cô bé có biểu hiện sốt, ho, đau họng, đau đầu. Cha mẹ bé làm nghề buôn bán gia cầm sống trong thị trận thuộc huyện Thuận Nghĩa, ngoại ô Bắc Kinh. Trong lịch sử loài người từng chứng kiến nhiều đại dịch cúm. Năm 1918, xảy ra đại dịch cúm “Tây Ban Nha” H1N1, 40 triệu người đã tử vong. Năm 1957 là dịch cúm châu Á H2N2, một triệu người tử vong. Gần đây nhất là đại dịch cúm H1N1 vào năm 2009 với gần 19.000 trường hợp tử vong. Các chuyên gia dự báo, số ca mắc cúm H5N1 trên người có thể sẽ tiếp tục gia tăng do ổ dịch cúm trên gia cầm, thủy cầm và chim vẫn xảy ra rải rác, việc xử lý triệt để ổ dịch ở các loài chim là khó khăn. Có hiện tượng nhiễm virus nhưng không biểu hiện bệnh ở thủy cầm. Từ đầu năm đến nay đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại Đồng Tháp, Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên, Kiên Giang. Đặc biệt, đầu tháng 4, lần đầu tiên Việt Nam phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm trên chim yến tại Ninh Thuận và chim trĩ tại Tiền Giang. Tại Ninh Thuận vẫn tiếp tục ghi nhận chim yến chết bất thường. Một số vịt cũng mắc phải chủng virus H7 nhưng không có sự liên quan với virus H7N9 ở Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tại Trung Quốc, Bộ đã kích hoạt toàn bộ hệ thống y tế dự phòng, nhằm đảm bảo phát hiện sớm các ca mắc. Các bệnh viện và nhân viên y tế đã được hướng dẫn tăng cường các biện pháp phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện và báo cáo, theo dõi chặt chẽ bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước nguy cơ dịch đến từ nhiều phía. Khả năng dịch cúm H7N9 xâm nhập vào nước ta là rất lớn, trong khi đó dịch cúm gia cầm H5N1 cũng đang diễn biến phức tạp. Để không có người bị bệnh thì mục tiêu quan trọng là không có gia cầm bị bệnh”. Nam Phương Nguồn VNExpress