Hòn đá cổ xưa nhất Trái Đất được tìm thấy trên Mặt Trăng

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jan 26, 2019.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 147)

    Mẫu đá do các phi hành gia tàu Apollo 14 mang về từ Mặt Trăng có thành phần cấu tạo và điều kiện hình thành giống trên Trái Đất.

    Nhóm nhà khoa học quốc tế phân tích một mẫu đá do các phi hành gia mang về từ Mặt Trăng năm 1971 và nhận thấy, đây nhiều khả năng là đá Trái Đất, CNN hôm 24/1 đưa tin. Các nhà khoa học cho rằng một tiểu hành tinh hoặc sao chổi lớn đã đâm vào Trái Đất 4 tỷ năm trước và khiến hòn đá văng vào không gian. Nó có thể văng tới Mặt Trăng vì khi đó, khoảng cách giữa Mặt Trăng và hành tinh xanh chỉ bằng 1/3 hiện tại.

    [​IMG]
    Mẫu đá do các phi hành gia của tàu vũ trụ Apollo 14 mang về. (Ảnh: CNN).

    Hòn đá chứa thạch anh, tràng thạch và zircon, những khoáng vật phổ biến ở Trái Đất nhưng hiếm gặp trên Mặt Trăng. Theo phân tích mới, hòn đá hình thành ở nhiệt độ và môi trường giống trên Trái Đất, trong điều kiện có oxy. Nó kết tinh ở độ sâu khoảng 20km và cách đây 4 đến 4,1 tỷ năm, khi Trái Đất vẫn còn trẻ.

    Nếu "chào đời" trên Mặt Trăng, nhiệt độ hình thành của hòn đá sẽ khác. Nếu là đá Mặt Trăng, nó cũng phải hình thành ở độ sâu lớn, nhưng các khoáng vật tại đó lại khác thành phần cấu tạo của hòn đá.

    Nhóm nghiên cứu cho rằng hòn đá vốn nằm rất sâu dưới bề mặt Trái Đất. Một hoặc nhiều vụ va chạm đã khiến hòn đá lộ ra, sau đó tiếp tục bị bắn lên Mặt Trăng. Vào thời kỳ đó, Trái Đất trải qua những vụ va chạm với tiểu hành tinh có thể tạo nên hố rộng hàng trăm km.

    [​IMG]
    Trái Đất và một phần bề mặt Mặt Trăng do phi hành gia tàu Apollo 8 chụp năm 1968. (Ảnh: NASA).

    Trên bề mặt Mặt Trăng, hòn đá trộn lẫn với các vật chất khác. Theo nghiên cứu mới, có thể nó đã bị va chạm, thậm chí tan chảy một phần cách đây 3,9 tỷ năm, sau đó bị vùi lấp dưới bề mặt Mặt Trăng. Khoảng 26 triệu năm trước, một tiểu hành tinh đâm xuống Mặt Trăng tạo ra hố trũng Cone rộng 0,3km. Điều này khiến hòn đá lại lộ ra trên bề mặt và được phi hành đoàn Apollo 14 thu thập.

    David Kring, chuyên gia tại Trung tâm Khoa học và Khám phá Mặt Trăng, dự đoán một số nhà địa chất sẽ không chấp nhận kết quả này vì có vẻ nó còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, ông cùng các đồng nghiệp cho rằng, việc một số mảnh đất đá văng lên Mặt Trăng trong thời kỳ đầu của Trái Đất, khi nhiều vụ va chạm xảy ra, không phải bất thường.

    "Đây là phát hiện phi thường giúp dựng lại bức tranh chi tiết hơn về Trái Đất sơ khai và những vụ va chạm đã làm thay đổi hành tinh chúng ta trong thời kỳ đầu của sự sống", Kring nhận xét.

    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn KhoaHoc.TV
     
  2. Facebook comment - Hòn đá cổ xưa nhất Trái Đất được tìm thấy trên Mặt Trăng

Share This Page