Đất nước Yemen có nhiều công trình kiến trúc lâu đời và rất đa dạng, nền văn hóa ở đây có bề dày hàng nghìn năm. Hiện nay Yemen đang trong tình trạng chiến tranh ác liệt, các công trình văn hóa bị hủy hoại, người dân bị sát hại, kinh tế xuống dốc. Bài du ký dưới đây mô tả một phần quang cảnh Yemen trước khi chiến tranh bùng nổ, như một hoài niệm về quá khứ yên bình của đất nước này. Khi du thuyền của chúng tôi tiến vào vịnh Aden nằm giữa bán đảo Ả Rập và Somali, nhiều người có chút hồi hộp. Điểm đến kế tiếp của cả đoàn sẽ là Yemen, đất nước vừa bị Anh, Mỹ khuyến cáo người dân không nên đến đó du lịch. Khác với Dubai hay Oman cùng nằm trên hải trình, Yemen không giàu có xa hoa, tình hình chính trị lại bất ổn. Tuy nhiên, ngày chúng tôi đến đó (tháng 12/2013) thì nhiều du thuyền từ châu Âu vẫn chưa bỏ Yemen ra khỏi tuyến du lịch Trung Đông bởi đất nước này có nền văn hóa rất đặc sắc. Phụ nữ trên tàu không hào hứng lắm, còn các quý ông đa số tỏ ra phấn khích khi tàu chuẩn bị vào thành phố cảng cùng mang tên Aden. Một trong số đó nhoẻn cười: “Chào mừng quý khách cập vịnh Cướp Biển và ghé thăm đất nước của những chiến binh!”. Vùng đất của chiến binh Đoàn xe bus chở khách du thuyền đi city tour được xe cảnh sát đi trước và đi sau hộ tống. Đường sá ở Aden nhỏ hẹp lại đông đúc, nếu không có sự hỗ trợ chắc đoàn xe khó lòng xoay trở để du khách có thể lướt qua loạt di tích dày đặc ở đô thị hai ngàn năm tuổi. Là thành phố cảng sầm uất nhất nhì Yemen, Aden còn tự hào với bề dày văn hóa ít nơi nào sánh kịp. Trong suốt năm thế kỷ đầu Công nguyên, Aden từ một làng chài đã liên tục phát triển để trở thành hải cảng chính của vương quốc Awsan, đóng vai trò quan trọng trong việc nối châu Phi với bán đảo Ả Rập. Những thế kỷ tiếp theo, sau khi lần lượt chịu ảnh hưởng của Bồ Đào Nha, đế chế Ottoman, vương quốc Anh, Aden được mở rộng và bồi đắp thêm nhiều tầng văn hóa phong phú. Xen giữa những phố cảng sầm uất, các tòa nhà hơn bốn trăm tuổi là những tường thành thời Trung cổ vẫn tồn tại sừng sững. Địa hình Aden thoai thoải do thành phố hình thành quanh miệng ngọn núi lửa đã tắt. Cách không xa phố Mới tràn ngập biển hiệu tiếng Anh, các khu đô thị cổ, các thánh đường Hồi giáo trang nghiêm và các viện bảo tàng vẫn giữ nguyên vẻ cổ kính. Đường phố kiểu đặc trưng của các thành phố ở Yemen. Xe bus chạy thật chậm khi đi ngang chợ cá ngay sát bãi biển. Chợ sạch sẽ, hầu như không có mùi tanh. Biển ở đây cũng rất đẹp và vui mắt nhờ loạt thuyền đánh cá sơn màu xanh đỏ. Đối diện chợ là triền núi thấp có những dãy phố xinh xắn trồng nhiều hoa cảnh. Men theo cung đường núi thoai thoải toàn đá với đá, chúng tôi đến với di tích ngót nghét hai ngàn năm tuổi nổi tiếng nhất Yemen. Đó là chuỗi 56 hồ chứa nước mưa do người xưa kỳ công đẽo vào đá núi mà thành. Trung bình mỗi hồ sâu hơn 10 mét, đường kính từ 15 đến hơn 20 mét. Từ xa xa, các hồ nhìn như những lòng chảo khô cạn vì chức năng trữ nước ngày nay không còn nữa dù hệ thống dẫn nước mưa từ trên núi chảy vào hồ nhiều đoạn còn nguyên vẹn. Xung quanh hồ giờ là lan can gỗ và rất nhiều hoa giấy đủ màu trắng, hồng, cam, đỏ sặc sỡ giữa cái nắng Trung Đông. Các hồ nước nằm rải rác dưới chân dãy núi, nối với nhau bằng lối đi uốn lượn xinh đẹp, có nhiều khe núi được cầu bắc qua làm mềm mại hẳn khung cảnh khô cằn. “Phố núi” kiểu Yemen. Ở đây chúng tôi được tiếp xúc với những người Yemen đầu tiên. Đó là những người đàn ông mặc áo dài chấm đất màu trắng. Nụ cười thân thiện của họ phần nào xua đi sự e dè từ du khách. E dè cũng phải thôi! Yemen chỉ hơn 20 triệu dân nhưng sở hữu đến 50 triệu vũ khí. Nam giới xứ này trên mười tuổi là không bao giờ thiếu con dao găm truyền thống trong người, chưa kể các loại súng ống hiện đại khác. Lịch sử tồn tại của Yemen quá khốc liệt, khốc liệt cho đến tận bây giờ nên mỗi người dân đều tự coi mình là một chiến binh và coi vũ khí chẳng khác gì trang sức. Cổng và lối dẫn xuống bể chứa nước hai ngàn năm tuổi. Xe đi qua một vùng đất khô cằn để về lại bến cảng. Yemen nghèo thật! Dầu mỏ sắp cạn kiệt, nông nghiệp chậm phát triển. Lương một người đi làm chỉ khoảng 200 USD/tháng nhưng hầu như nhà nào cũng có cả chục đứa con. Đàn ông Yemen vẫn được quyền lấy bốn vợ. Ngay bác tài xế bình dân của chúng tôi cũng có hai vợ. Đi ngang qua mấy cụm nhà thưa thớt làm bằng đất sét trộn rơm, ai nấy cố tìm bóng dáng người phụ nữ Yemen mặc bộ áo choàng đen chỉ hở cặp mắt. Trong khi đàn ông Yemen luôn có nhu cầu bộc lộ cảm xúc bằng lời nói, hành động, và thường xuyên bằng… vũ khí thì phụ nữ xứ này ngàn đời lặng thinh như đá. Qua nhiều thế hệ chỉ được tiếp xúc với người trong nhà, dần dà phụ nữ Yemen chỉ còn nói một thứ phương ngữ mà ngay cả người Yemen ở làng bên cạnh cũng chưa chắc hiểu được. Vùng đất huyền bí Trái ngược với nền kinh tế, bề dày văn hóa và kiến trúc ở Yemen phải nói là giàu có. Bảo tàng lớn nhất Aden làm chúng tôi phát ngợp với lịch sử hấp dẫn của vùng. Vùng duyên hải Yemen phát triển thương mại rất sớm, từng rất phồn thịnh và có ảnh hưởng rộng lớn khắp vịnh Ba Tư cho đến một số vùng ven biển ở phía đông châu Phi. Sâu trong lục địa và nhiều hòn đảo nằm ngoài vịnh Aden đều có những di tích gắn với các truyền thuyết huyền bí xa xưa. Những câu chuyện từ bảo tàng khiến mọi người hào hứng hơn với điểm đến kế tiếp là thành phố El Hodeidah nằm bên bờ biển Đỏ. Rời cảng Aden, thuyền đi thêm khoảng trăm dặm thì tiến vào eo biển Bab-el-Mandeb nối biển Đỏ với vịnh Aden. Cần nói thêm là cung đường chúng tôi vừa đi nổi danh trong lịch sử hàng hải với cái tên Pirate Alley (đường Cướp Biển). Nơi đây nhiều tàu chở dầu và du thuyền cỡ lớn đã trở thành nạn nhân của cướp biển táo tợn, trong đó, chuyện một chiếc du thuyền sang trọng của Pháp bị cướp năm 2008 vẫn còn được nhắc đi nhắc lại. Phố biển nhộn nhịp nhất El Hodeidah. May mắn là cuối cùng chúng tôi cũng đến El Hodeidah an toàn. Thành phố này đậm chất Hồi giáo với nghề đánh cá khá phát triển và khu vực cảng sầm uất. Dù du khách đến đây chưa nhiều nhưng cách phục vụ của taxi hay xe bus địa phương đã khá chuyên nghiệp. Du khách từng nhóm có thể yên tâm tự thuê xe đi lòng vòng thành phố. Bên cạnh các đền thờ và dinh thự đồ sộ, El Hodeidah thu hút du khách bởi những khu chợ và phố cổ kiểu Ả Rập xưa. Tơ lụa, nữ trang bằng bạc và xương thú, hương liệu… được bày bán tràn ngập trên những con phố lát đá xanh hun hút. Bên trong một khu phố hai tầng khang trang, qât – một loại dược liệu gây ảo giác hưng phấn được bày bán công khai. Hầu hết các nước trên bán đảo Ả Rập đều cấm buôn bán sử dụng qât, ngoại trừ Yemen. Có đến 80% dân cư trưởng thành của Yemen nhai qât hằng ngày, phụ nữ nhai để quên cuộc đời tù hãm, đàn ông nhai để tìm cảm giác phấn khích trong chốc lát. Cung đường xuyên núi và sa mạc nối El Hodeidah với thủ đô Sanaa. Thứ thu hút chúng tôi nhất ở El Hodeidah là con đường nối thành phố này với thủ đô Sanaa cách đó 200km. Cung đường băng qua dải núi đá mênh mông giữa sa mạc và có độ cao 2.900m so với mực nước biển. Đoàn chỉ được đi một đoạn để ngắm phong cảnh hùng vĩ rồi phải quay về cho kịp giờ lên tàu, hơn nữa vấn đề an ninh ở thủ đô lúc này không còn đảm bảo cho du khách. Đó là điều làm nhiều người nuối tiếc. Sanaa được phong di sản văn hóa thế giới nhờ quần thể nhà tháp nhiều tầng, nhiều nhà trong số đó liên tục có người sinh sống từ hơn 1.000 năm trước cho đến tận hôm nay. Chúng tôi chỉ được nhìn thấy những phiên bản nhỏ hơn của các cụm nhà “cao ốc” đó tại các thành phố cảng. Nhà cao đến 6, 7 tầng được xây vuông vức bằng gạch đỏ, những ô cửa vòm quét vôi trắng được trang trí rất đẹp. Trình độ xây dựng của người Yemen xưa thật đáng nể. Theo truyền thuyết, từ 2.500 năm trước, sau trận Đại Hồng Thủy, con trai lớn của Noah đã chọn Sanaa làm nơi sinh sống. Có thể tìm thấy cửa hàng bán dao găm truyền thống ở bất kỳ ngôi chợ nào tại Yemen. Đời sống trong khu phố cổ Aden. Yemen có phong cảnh đa dạng và nhiều di sản lâu đời bậc nhất bán đảo Ả Rập. Dù chỉ được lướt qua vài cửa ngõ của đất nước khép kín này, chúng tôi vẫn cảm thấy mình thật may mắn. Chỉ sau chuyến đi của chúng tôi ít lâu, các tàu du lịch phải bỏ Yemen ra khỏi hải trình Trung Đông vì xung đột đã lan rộng đến các thành phố bên bờ biển. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV