Jonathan Neman, Nathaniel Ru và Nicolas Jammet biết nhau thời sinh viên năm nhất Đại học Georgetown, Mỹ. Cả ba đều cùng quan tâm đến những gì cho vào cơ thể, ao ước những bữa ăn lành mạnh, tốt cho sức khỏe nhưng vẫn hợp túi tiền mà mình có thể mua được ngoài đường. Tuy nhiên, họ liên tục phải hỏi nhau "Ăn ở đâu bây giờ?". "Chúng tôi muốn đến một nơi thật lành mạnh, ngon miệng, giá hợp lý, thuận tiện và phù hợp với phong cách sống cũng như giá trị của mình nhưng tìm mãi mà chẳng ra", Neman nhớ lại. Tháng 8/2007, vài tháng sau khi tốt nghiệp, ba người bạn quyết định tự trả lời câu hỏi cứ đeo bám dai dẳng bằng việc mở Sweetgreen - nhà hàng dịch vụ nhanh chuyên cung cấp các bữa ăn và món salad tốt cho sức khỏe được phục vụ trong những chiếc tô. Định nghĩa lại về "thức ăn nhanh" Các doanh nhân trẻ có tầm nhìn riêng biệt cho nhà hàng. Dù thích thuộc tính "nhanh" và "rẻ" của thức ăn nhanh, họ không muốn thỏa hiệp về chất lượng hay trải nghiệm tại cửa hàng. "Chúng tôi muốn tạo nhà hàng thức ăn nhanh không có các tiêu chuẩn của thức ăn nhanh thông thường", Neman nói. Cụ thể, các nguồn nguyên liệu của Sweetgreen được cung cấp từ nông trại. Đến nay, thương hiệu có trên 300 đối tác là nông trại chuyển hàng đến trực tiếp và có chuỗi cung ứng khác nhau cho từng thị trường mình có mặt. Đồng sáng lập cho biết tất cả thức ăn được chuẩn bị "ngay từ bước đầu" mỗi ngày tại nhà hàng. Rau chuyển về từ nông trại được rửa sạch, cắt, các loại gia vị và nước sốt cũng được chế biến từ khâu ban đầu. "Ý của tôi có nghĩa là từng thứ một. Hầu hết nhà hàng bình thường dùng quy trình dây chuyền lắp ráp, bạn thấy từng người làm một khâu trong một chuỗi 4-5 nhân viên. Chúng tôi thì thực hiện từ một đến một, nghĩa là một thành viên của chúng tôi đang làm bữa ăn cho bạn", Neman giải thích. Nguyên liệu làm salad của Sweetgreen được chuyển về trực tiếp từ các nông trại khắp nước Mỹ. Ảnh: Sweetgreen. Việc kinh doanh nhà hàng rất phổ biến trên thế giới nhưng để đưa Sweetgreen phát triển lại mang đến nhiều thách thức ngay lúc sơ khởi. Ba đồng sáng lập đã tiếp xúc trên 100 nhà đầu tư tiềm năng và cuối cùng có 40 người đồng ý rót vốn cho dự án. Tuy nhiên, con số đầu tư trung bình ở mức thấp hơn 10.000 USD. "Đó là những người tin vào sứ mệnh và đặt cược vào chúng tôi", đồng sáng lập cho biết. Địa điểm đầu tiên của Sweetgreen là một không gian nhỏ nằm ở Washington DC. Còn bây giờ, tức 11 năm sau, thương hiệu đã có 90 nhà hàng và 4.000 nhân viên khắp nước Mỹ. Hồi đầu tháng 11/2018, Sweetgreen ghi nhận mức đầu tư 200 triệu USD từ Fidelity Investments, nâng tổng số tiền đầu tư ngoài lên 365 triệu USD. Với vòng gọi vốn mới nhất, công ty tiết lộ giá trị thương hiệu giờ đây đã đạt trên 1 tỷ USD. Gen kinh doanh Với Jonathan Neman, Nathaniel Ru và Nicolas Jammet, kinh doanh gần như là con đường được dự báo trước. Bố mẹ họ đều là doanh nhân. "Vì vậy, kinh doanh gần như nằm trong DNA của chúng tôi từ lúc nhỏ cho đến khi quyết định làm một cái gì đó", Ru, người đảm nhiệm vị trí giám đốc thương hiệu công ty chia sẻ. Anh tự nhận điều đó đã trao cho mình và đồng sự khả năng chấp nhận và tự do để liều lĩnh trong kinh doanh. Nó cũng cho phép họ nhanh chóng nhận được những phản hồi từ các cố vấn ngay trong chính gia đình. Bố Ru từng có phản ứng rất rõ ràng với kế hoạch kinh doanh của họ. Anh trình bày ý tưởng và một sự im lặng bao trùm. Tất cả những gì cậu con trai nghe được từ đầu dây bên kia khi cuộc điện thoại với bố kết thúc là "Nathan, món salad đó rất ổn". Ba đồng sáng lập Sweetgreen từ trái sang: Nicolas Jammet, Jonathan Neman và Nathaniel Ru. Ảnh: CNN. Trong khi đó, bố mẹ Jammet kinh doanh ở ngành thực phẩm và có mở vài nhà hàng. "Mẹ Nick là nguồn cảm hứng to lớn và cố vấn cho dự án, bà dạy chúng tôi nhiều về ngành này, văn hóa dịch vụ cũng như tạo ra cộng đồng xung quanh hệ sinh thái ấy", Neman nói. Hiện các nhà sáng lập muốn tiếp tục đầu tư vào công ty để cải thiện chuỗi cung ứng và nâng cao trải nghiệm khách hàng với công nghệ tốt hơn. Trong đó, 50% đơn đặt hàng của người tiêu dùng đến từ ứng dụng hay các nền tảng trực tuyến. Một trong các nỗ lực ấy là ra mắt chương trình thí điểm giao đồ ăn tại các văn phòng từ tháng 9/2018. Ngoài ra, Sweetgreen cũng muốn đóng góp cho cộng đồng thông qua việc hỗ trợ các trường học đánh giá lại chất lượng thức ăn được phục vụ trong căn tin. Công ty cũng tổ chức một loạt hội thảo về sống khỏe mỗi năm với sự tham gia của hơn 1.000 sinh viên từ các thành phố Washing DC, Maryland, Virginia và New York. "Trong vai trò các nhà sáng lập, với chúng tôi thì thành công là khi bạn tạo ra được ảnh hưởng. Chúng tôi muốn trở thành thương hiệu đồ ăn của thế hệ kế cận, với thực phẩm thật và một định nghĩa khác về thức ăn nhanh", Ru nói. Trương Sanh (theo CNN) Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress