Ba bài học khởi nghiệp từ ứng dụng blockchain Việt

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Jan 11, 2019.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 126)

    Tiến sĩ Đào Hà Trung cho biết thành công đến khi ý tưởng hay, giải quyết vấn đề hàng ngày, làm bằng hứng khởi và nên bắt đầu từ blockchain.


    Là diễn giả tại Hội thảo Smart Tech for Smart Living, trong khuôn khổ Chương trình bình chọn Sản phẩm Công nghệ Xuất sắc Tech Awards 2018, Tiến sĩ Đào Hà Trung, Giám đốc công ty Te-Food, đem đến chủ đề "Công nghệ blockchain từ nông trại đến bàn ăn".

    Ông nhấn mạnh ba bài học khởi nghiệp mà bản thân rút ra sau quá trình thành lập, điều hành công ty.

    Trước tiên là ý tưởng. Một buổi sáng sau Tết, ông đọc báo và thấy quá nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm. Thực tế này thôi thúc vị tiến sĩ phải làm một điều gì đó, vì công nghệ nếu để ở mãi đó, không phục vụ cho con người thì sẽ không có tác dụng.

    Để có ý tưởng hay, thiết thực và có thể làm được, ông khuyên mọi người hãy đọc báo điện tử hàng ngày, đặc biệt là liên quan đến phụ nữ. "Chị em có rất nhiều nhu cầu, nếu giải quyết được, các bạn sẽ có những doanh nghiệp to lớn", ông cười.

    [​IMG]

    Tiến sĩ Đào Hà Trung, Giám đốc công ty Te-Food tại hội thảo. Ảnh: Thành Nguyễn.

    Xuất phát từ ý tưởng trên, mô hình công ty của ông tập trung vào nhu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Có ba mục đích quan trọng: thứ nhất là biết sản phẩm có sạch, an toàn không để ăn nếu bẩn thì phải thu hồi ngay lập tức, không phải trong vài tháng mà sau vài giây, cần được biết ngay chuỗi không an toàn ấy nằm ở đâu để thu hồi.

    Thứ hai là truy rồi để xuất. Theo ông, Việt Nam là đất nước nông nghiệp với 65% sống ở nông thôn, dựa vào nông nghiệp và xuất khẩu nông sản. Thế giới luôn ra những điều kiện nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc nên sử dụng blockchain thì họ mới mua hàng, tránh được giả mạo, đảo bảo uy tín. Thứ ba, xuất được ra dữ liệu giúp đơn vị quản lý, đưa được việc tính toán điều hành vĩ mô, không phải đưa ra các chiến dịch giải cứu nông sản như trước đây.

    Giải pháp truy xuất nguồn gốc bằng blockchain tích hợp chuỗi các công ty cung ứng, người tiêu dùng và chính quyền trong một hệ thống chung. Chính quyền có thể kiểm tra, giám sát, đưa ra cảnh báo khi phát hiện sự bất thường của chuỗi cung ứng, giúp họ thực thi và cải thiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả thông tin đều được đăng nhập vào blockchain: hồ sơ vật nuôi, cho ăn, sử dụng kháng sinh, kiểm tra sức khỏe, dữ liệu giết mổ... Mọi dữ liệu được liên kết và có thể truy xuất nguồn gốc. Nhà bán lẻ, người tiêu dùng có thể quét mã QR trên thiết bị di động và truy cập vào tất cả thông tin, tạo sự minh bạch, giảm chi phí cho các đơn vị, lấy lại niềm tin cho người dùng khi "biết rõ những gì chúng ta ăn".

    "Ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống rất vất vả. Những gì chúng tôi triển khai là cuộc chiến căng thẳng với nhóm lợi ích, thói quen, hành vi tồn tại từ lâu", ông chia sẻ. Từ đó, ông khuyên các bạn trẻ khởi nghiệp với công nghệ: làm ra đã khó, quá trình ứng dụng còn phức tạp hơn, nhưng trải qua quá trình chiến đấu, bạn sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.

    Hiện Te-Food tạo công cụ truy xuất cho 6.000 doanh nghiệp, 400.000 hoạt động, theo dõi 12.000 con lợn, 200.000 con gà, 2,5 triệu quả trứng mỗi ngày và được nhiều công ty thực phẩm sử dụng. Ứng dụng có mặt tại 16 quốc gia như Mỹ, Pháp, Australia, Hàn Quốc...

    [​IMG]

    Tiến sĩ Trung chia sẻ bài học kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp với blockchain. Ảnh: Thành Nguyễn.

    Bài học thành công thứ hai là làm phải có hứng khởi, có sự động viên. Vì bạn phải vượt qua rất nhiều thứ khổ sở, nên "quan trọng nhất là có sự ủng hộ của người thân, như bạn gái hoặc vợ chúng ta".

    Ngoài sự sáng tạo ở trên, vị CEO nhấn mạnh ý tưởng bạn nghĩ ra phải giải quyết được bài toán thực tế. Chẳng hạn, làm sao kiểm soát được con heo trong chuồng ấy đã đi qua những nơi nào, quá trình giết mổ ra sao? Chưa hết, để áp dụng được ở các nước đang phát triển thì giá rẻ nhất là ưu tiên hàng đầu. Để kiểm soát thông tin của heo, có thể sử dụng các loại chip nano, tuy nhiên phương thức này có chi phí rất cao. Ông đã tạo ra chiếc vòng niêm phong, có số khoá an toàn không tháo ra được, có mã QR code chống sao chép, giúp chi phí trích xuất thông tin chỉ còn nửa USD cho một lần. Mọi thông tin về heo sẽ được tự động cập nhật vào hệ thống để nhà bán lẻ, khách hàng... đều có thể soi thông tin.

    "Đừng nghĩ công nghệ cao là đắt, công nghệ cao mà làm cho rẻ mới là cao thủ", ông nhấn mạnh.

    Bài học khởi nghiệp cuối cùng là hãy bắt đầu bằng công nghệ blockchain. "Tôi tin blockchain sẽ thay đổi thế giới. Nó không chỉ là một công nghệ mà còn tác động tới xã hội, tạo cuộc cách mạng vô cùng lớn", ông khẳng định. "Với bạn trẻ ấp ủ dự định khởi nghiệp, đây là thời kỳ của AI, big data, blockchain, IoT... đừng ngần ngại mang nền tảng này vào sản phẩm của mình".

    Tuy có nhiều ứng dụng thú vị, ông Trung cũng băn khoăn về nguy cơ dữ liệu lọt vào tay kẻ xấu vì các ứng dụng ghi lại hành vi rất quan trọng, tăng khả năng bán hàng nhưng cũng có thể bị tấn công.

    "Sự phát triển công nghệ rất hay, nhưng cái gì cũng có mặt trái. Các bạn trẻ đừng chỉ tập trung vào mặt phải, hãy cùng nhau giải quyết những mặt trái nữa", ông kết thúc.

    Hoài Nhơn


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Ba bài học khởi nghiệp từ ứng dụng blockchain Việt

Share This Page