Nhóm nghiên cứu từ Đại học Yale (Mỹ) pha chế ra món "cocktail" kỳ dị với nguyên liệu chính là… một kháng sinh đời cũ, khi uống vào có thể giúp căn bệnh nan y đảo ngược. Gọi là cocktail vì "thần dược" của Đại học Yale là một dung dịch có thể uống được, với nguyên liệu chính là Suprax, hay còn gọi là cefixime, một loại kháng sinh đời cũ. Kháng sinh này vốn là dạng viên nhưng sau khi được biến thành chất lỏng và pha chế theo công thức đặc biệt, nó bất ngờ chuyển đổi công năng và "tái sinh" các kết nối thần kinh synap, thậm chí khôi phục phần trí nhớ đã mất của những con chuột thí nghiệm. Món cocktail của Đại học Yale sẽ là thuốc đầu tiên điều trị Alzheimer? - (ảnh minh họa từ Internet). Món cocktail lạ lùng này có thể trở thành thuốc đầu tiên điều trị Alzheimer – căn bệnh phổ biến nhất trong nhóm bệnh mất trí nhớ, được các bác sĩ coi là "tàn khốc". Ở Mỹ, Alzheimer được coi là nguyên nhân hàng thứ 6 gây tử vong. Tại Anh và Úc, nhóm Alzheimer và các bệnh mất trí khác lại xếp đầu bảng nguyên nhân gây chết sớm. Khi protein prion và beta amyloid trong cơ thể một người bắt đầu liên kết với nhau, các mảng bám bắt đầu tích tụ trên não, gây ra phản ứng từ hệ miễn dịch, từ đó làm hỏng các kết nối synap, khiến hoạt động giao tiếp giữa các vùng não bị gián đoạn. Tiến sĩ Stephen Strittmatter, tác giả chính của nghiên cứu cho biết sau khi thử hàng chục hợp chất khác nhau, họ bất ngờ phát hiện cefixime có thể ngăn chặn sự kết hợp của 2 protein prion và beta amyloid, từ đó giúp các kết nối synap được bảo tồn và thậm chí được sửa chữa, khôi phục. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị cho thử nghiệm lâm sàng – tức thử nghiệm trực tiếp trên bệnh nhân Alzheimer. Nếu tiếp tục thành công và đưa ra thị trường, đây sẽ là loại thuốc được cả thế giới trông đợi bởi hiện có 44 triệu người trên toàn cầu mắc căn bệnh này, tỉ lệ ngày một gia tăng và nó hoàn toàn chưa có thuốc chữa. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV