Bác sĩ Hải 57 tuổi, công tác ở Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên, nhập Bệnh Viện Bạch Mai tối 22/11 trong tình trạng hôn mê, suy tuần hoàn. Bệnh nhân nhiều năm qua bị tăng huyết áp, đã mổ thay van tim cơ học từ 15 năm trước và phải dùng thuốc chống đông máu thường xuyên. Chiều hôm đó, bác sĩ Hải đau ngực trái dữ dội, điện tim biến đổi, khám tại Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Trong lúc chuẩn bị chuyển viện, bệnh nhân ngừng tim, rung thất. Sau 90 phút cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện nhiều lần, tim đập trở lại nhưng người bệnh đã hôn mê sâu phải thở hoàn toàn nhờ máy. Ba loại thuốc trợ tim đã được dùng cho bệnh nhân, song tim vẫn đập rất yếu. Đưa bệnh nhân kèm hệ tuần hoàn nhân tạo ECMO đến phòng mổ để thay van tim. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. Khi vào Bệnh viện Bạch Mai khi đã hôn mê, thở máy, suy tuần hoàn, chảy máu dạ dày, suy hô hấp, thiếu oxy, suy thận, rối loạn đông máu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngừng tuần hoàn, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa. Hướng điều trị là chụp và đặt stent mạch vành. Tình trạng quá nặng, bệnh nhân phải nằm khoa Hồi sức tích cực. "Tình trạng bệnh nhân vô cùng nặng. Để cứu được người bệnh, đầu tiên phải dùng hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO, sau đó mới có thể can thiệp mạch vành để tránh nguy cơ ngừng tuần hoàn trong quá trình can thiệp", Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, kể. Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực phối hợp với đơn vị Phẫu thuật tim mạch tiến hành phẫu thuật mở mạch máu tại giường để đặt hệ thống tuần hoàn ngoài cho bệnh nhân. Nhờ đó huyết áp bệnh nhân duy trì mức ổn định, giảm được thuốc trợ tim mới bắt đầu được can thiệp mạch vành. Sau ca can thiệp mạch vành, bệnh nhân phải dùng tuần hoàn ECMO và lọc máu liên tục trong 9 ngày, kháng sinh phổ rộng, duy trì thuốc chống đông liên tục tránh tắc stent và van cơ học, truyền máu, kiểm soát nhiễm khuẩn... Tình trạng lâm sàng cải thiện từng ngày sau khi được hồi sức tích cực. Tưởng sức khỏe đã ổn định, bất ngờ ngày 3/12 bệnh nhân xuất hiện tình trạng sốc, huyết áp không đo được, nhịp tim nhanh, suy hô hấp với chảy máu từ phổi. Siêu âm tim thấy hình ảnh kẹt van cơ học do huyết khối bám van tim. Các bác sĩ phải hội chẩn toàn viện, quyết định can thiệp tiêu sợi huyết cho bệnh nhân, tiếp tục dùng tuần hoàn nhân tạo ECMO và lọc máu. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng kẹt van không cải thiện. Hội chẩn toàn viện lần hai, các chuyên gia nhận định nếu không phẫu thuật thay van hai lá sinh học bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân được hồi sức, lọc máu thay huyết tương, thở máy, chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức tích cực. Bệnh nhân phải dùng hệ tuần hoàn nhân tạo ECMO tại Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. May mắn sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tốt dần. Ngày 10/12, bệnh nhân tỉnh, hồi phục tốt nên đã được rút ống nội khí quản, rút hết các dẫn lưu, không cần lọc máu. Hiện bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, chức năng gan, thận, vận động, siêu âm tim đều bình thường. Bác sĩ Hải xuất viện sáng 28/12. Giáo sư Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: "Thành công của ca bệnh này là vô cùng đặc biệt". Nhờ sự phối hợp tốt giữa các bác sĩ ở các viện, khoa phòng, trong hơn một tháng đã đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về, hồi phục hoàn toàn. Giáo sư Châu đánh giá Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên trước đó cũng đã thực hiện rất tốt kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn, đối với bệnh nhân Hải. Nhờ cấp cứu ban đầu tốt, bệnh nhân mới có thể tiếp tục quá trình điều trị sau đó, dù rất nặng nhưng vẫn có cơ hội để cứu chữa. Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên là một trong 26 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai, được bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress