Năm thảm họa của Facebook CEO Mark Zuckerberg khá "bận rộn" trong năm 2018. Ảnh: Reuters 2018 được coi là năm đen đủi với liên tiếp các scandal và khủng hoảng ập đến với mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook. Tháng 3, hai báo New York Times và Guardian đưa tin Facebook đã cho phép công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica thu thập dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu người dùng thông qua một ứng dụng có tên "This Is Your Digital Life" (Đây là cuộc sống số của bạn). Sau đó, CEO Mark Zuckerberg đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Vài tháng sau đó, một loạt bằng chứng được công bố cho thấy nhiều tài khoản giả mạo trên mạng xã hội này có mối quan hệ với các tổ chức chính trị của Nga, Iran. Cuối tháng 9, một hacker đã lợi dụng lỗ hổng trên hệ thống để tấn công Facebook, khiến khoảng 50 triệu tài khoản bị ảnh hưởng, buộc 90 triệu người dùng đăng xuất tài khoản. Tiếp đó vào tháng 11, NY Times nêu chi tiết cách thức Giám đốc điều hành Sheryl Sandberg đã che đậy bằng chứng về các hoạt động đáng ngờ liên quan đến Nga cũng như một số hành động chống lại tỷ phú George Soros, sau khi ông này lên tiếng chỉ trích mạng xã hội. Ngay sau đó, một lỗi trong API ảnh của Facebook đã cấp cho các ứng dụng của bên thứ ba quyền truy cập vào hàng triệu ảnh không công khai của người dùng. Trong tháng 12, Facebook tiếp tục thừa nhận đã cho phép hơn 100 công ty, bao gồm cả Netflix và Spotify, tiếp cận những tin nhắn riêng tư của người dùng. Bitcoin sụt giá nghiêm trọng Giá Bitcoin giảm gần 80% chỉ trong 12 tháng. Ảnh: Reuters Tháng 12/2017, cơn sốt tiền ảo đạt đỉnh khi giá Bitcoin gần chạm 20.000 USD một đồng. Nhiều người đã đổi đời, có cuộc sống sung túc từ việc buôn bán tiền ảo. Tuy nhiên, bước sang năm 2018, đồng tiền ảo lại đẩy không ít người vào cảnh khốn cùng khi giá Bitcoin tụt xuống gần mức 3.000 USD một đồng. Năm 2018, tổng giá trị thị trường tiền ảo giảm khoảng 87%, trong đó đồng tiền có giá trị nhất Bitcoin mất giá gần 80%. Tương lai cho ngành công nghiệp này cũng có những dấu hiệu ảm đạm. Một loạt các công ty, mạng xã hội, tập đoàn công nghệ phất lên từ tiền ảo đồng loạt sa thải nhân sự số lượng lớn, thậm chí đóng cửa, ngừng hoạt động như Steemit, ConsenSys... Google+ làm lộ dữ liệu của 50 triệu người dùng Đầu tháng 3, Wall Street Journal thông báo về một lỗi bảo mật, chưa được phát hiện trong ba năm qua, đã làm lộ dữ liệu của 500.000 thành viên Google+. Công ty công nghệ Mỹ đã điều tra và phải đến tháng 10 mới thừa nhận sự cố, đồng thời tuyên bố đóng cửa dịch vụ này mãi mãi từ 8/2019. Tuy nhiên, bản cập nhật tháng 11 cho API Google+ đã khiến các nhà phát triển có thể xem được thông tin của người dùng ngay cả khi họ chọn chế độ riêng tư. Lỗ hổng này khiến 52,5 triệu người dùng có nguy cơ bị lộ dữ liệu, dù Google cho biết chưa có dấu hiệu dữ liệu của người dùng bị lạm dụng. Do đó, Google ra quyết định đóng cửa mạng xã hội của mình vào 4/2019, sớm hơn bốn tháng so với kế hoạch. Google+ là mạng xã hội ra mắt năm 2010, tham vọng cạnh tranh với Facebook hay Twitter. Tuy nhiên, sản phẩm không được người dùng quan tâm khi 90% thành viên có thời gian truy cập dưới 5 giây. YouTube thất bại trong việc lọc nội dung YouTube có một năm "lận đận" với vấn đề bản quyền và nội dung. Ảnh: VCG Photo Năm 2018, YouTube đối mặt với một loạt scandal liên quan tới vấn đề nội dung và chính sách người dùng. Điển hình như họ bị tố không trả tiền công bằng cho những người sáng tạo nội dung, không quản lý được các nội dung có bản quyền, không kiểm duyệt tốt các chương trình dành cho trẻ em, tăng tiền thưởng cho những người dùng lợi dụng chiêu trò và nội dung "bẩn" để hút lượt xem. Thậm chí, video nhận được lượng "dislike" (không thích) nhiều nhất cũng chính là YouTube Rewind 2018, với nội dung tổng kết những sự kiện, xu hướng nổi bật trong năm trên nền tảng này. Kết quả là, hàng loạt nhãn hàng, thương hiệu lớn của Anh, Mỹ, Australia... đã tuyên bố rút quảng cáo khỏi nền tảng này vì xuất hiện trên các video chứa nội dung phân biệt giới tính, chủng tộc hay các nội dung ảnh hưởng tới trẻ em. Sự cố mất dữ liệu trên Windows 10 Tháng 10/2018, Microsoft tung ra bản cập nhật lớn mang tên October 2018 Update dành cho người dùng Windows 10. Tuy nhiên, rất nhiều người phàn nàn về tình trạng mất dữ liệu sau khi cài bản cập nhật. Trang MSPowerUser cho biết bản cập nhật có thể xóa các thư mục tài liệu, ảnh, nhạc và video của người dùng. Thậm chí, việc khôi phục cài đặt sau đó cũng không giúp lấy lại được các tệp tin đã mất. Theo Verge, còn nhiều lỗi khác phát sinh khác khiến trình duyệt Edge hay một số ứng dụng không thể truy cập Internet. Thậm chí, bản cập nhật còn khoá luôn một số máy tính do không tương thích với driver của Intel. Ngay sau đó, Microsoft ra thông báo dừng nâng cấp để tiến hành điều tra. Hãng đồng thời đề nghị người dùng gặp lỗi liên hệ trực tiếp để khắc phục sự cố. Hiện chưa có thống kê cụ thể bao nhiêu trường hợp thiết bị Windows 10 bị ảnh hưởng sau bản cập nhật October 2018 Update. Bảo Nam Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ