3 năm quần quật học bác sĩ nội trú của cô gái trẻ

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Dec 26, 2018.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 128)

    Hoàng Thanh Huyền 26 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa, Đại học Y Hà Nội năm 2016. Sau đó, cô tiếp tục ôn thi vào bác sĩ nội trú. Đây là một bước quan trọng để sau này trở thành bác sĩ chính khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

    Nữ bác sĩ tương lai tâm sự: "6 năm học y, 3 năm làm nội trú, cộng lại gần chục năm tuổi trẻ mới đủ kinh nghiệm trị bệnh cho người".

    "Khó như thi bác sĩ nội trú" là câu nói của các bác sĩ tương lai khi kết thúc 6 năm học y khoa. Trước kỳ thi, mỗi ngày Huyền học từ 4h rưỡi sáng đến 12h đêm. Thư viện, hành lang, ban công miễn là có chỗ trống thì đều trở thành "phòng học". Huyền nghĩ rằng làm bác sĩ nội trú là cơ hội tốt cho tương lai nhưng cũng là ván bài đánh cược tuổi trẻ của mình.

    Hiện nay, Thanh Huyền là bác sĩ nội trú tại khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

    Bạch Mai là bệnh viện đặc biệt cấp quốc gia, là nơi cuối cùng, tiếp nhận những ca bệnh nặng nhất của miền bắc. Các bệnh nhân nguy kịch thường được chuyển trước hết tới Hồi sức Cấp cứu. Nhịp độ làm việc căng thẳng, cánh cửa phòng cấp cứu không bao giờ vơi người. Ngoài giờ hành chính, đội ngũ y bác sĩ luôn phải trực thêm để đảm bảo nhân lực. Riêng bác sĩ nội trú phải trực ở viện 24/24 giờ.

    [​IMG]

    Bác sĩ nội trú Hoàng Thanh Huyền. Ảnh: Thùy An

    Hầu hết bác sĩ nội trú đều là nam. Cả khóa của Huyền chỉ có mỗi cô là nữ vào nội trú ở Bệnh viện Bạch Mai. Cả khoa Cấp cứu Bạch Mai hiện nay chỉ có hai nữ bác sĩ nội trú.

    Huyền kể rằng trước đây quy định chỉ dành riêng cho bác sĩ nội trú nữ là không được sinh con trong thời gian theo học. Ngoài ra, dân ngành y truyền tai nhau "lời nguyền nội trú", cứ vào là gặp khó khăn trong chuyện tình cảm nên rất ít nữ thi vào. Hiện quy định cấm sinh đã bỏ nhưng cụm từ "học bác sĩ nội trú" vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều sinh viên ngành y.

    Mỗi ngày, khoa cấp cứu phải tiếp nhận gần 200 ca bệnh nặng, sống chủ yếu dựa vào máy móc. Áp lực công việc lớn đòi hỏi y bác sĩ sự chủ động, nhanh nhẹn và tinh thần học hỏi cao. Do đó đây cũng là môi trường học hỏi trải nghiệm thực tế rất tốt với bác sĩ trẻ.

    Ngoài chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, bác sĩ nội trú phải tư duy và làm việc dưới sự kiểm soát, hướng dẫn của bác sĩ chính. Khi có đủ kinh nghiệm, họ phải nhanh nhẹn tự đưa ra quyết định để giải quyết kịp thời những ca bệnh nặng.

    Những năm nội trú là thời gian vàng để Huyền trải nghiệm, củng cố lý thuyết và tiếp thu thêm nhiều bài học thực hành, nhất là bài học về sự nhẫn nại và kiên trì. Cô gái có vóc người mảnh nhỏ tự nhủ phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần bình thường.

    [​IMG]

    Thanh Huyền đang chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thùy An.

    "Ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, em chỉ mong hết giờ để về. Đến lúc đi làm thì chớp mắt đã hết ngày, lúc nào cũng chạy đua với thời gian", Huyền tâm sự.

    So với các bác sĩ chính, bác sĩ nội trú không chịu nhiều áp lực bằng. Tuy nhiên, khi có ca bệnh, Huyền luôn nhanh nhẹn, bám sát để học hỏi và nâng cao tay nghề. Cô gái thường tranh thủ lúc vắng bệnh nhân hơn để chợp mắt.

    Những ngày đầu học việc, Huyền choáng ngợp bởi sự khốc liệt của việc cấp cứu. Điều khó nhất với Huyền là học cách làm chủ cảm xúc để tập trung làm việc. Những ngày không trực, cô vẫn đến khoa để giúp đỡ và học hỏi thêm từ mọi người. "Để trở thành bác sĩ giỏi, em còn phải cố gắng học hỏi nhiều", Huyền nói.

    Dành toàn bộ thời gian cho công việc, Huyền chỉ về thăm nhà cuối tuần khoảng 2 đến 3 tiếng rồi lên viện. "Nhiều lúc nhớ nhà rồi tủi thân", cô nói. Những lúc mệt mỏi, cô luôn tự động viên bản thân phải mạnh mẽ chứ nhất quyết không bỏ cuộc giữa chừng.

    [​IMG]

    Bệnh nhân được chăm sóc tận tình của các y bác sĩ. Ảnh: Giang Huy

    Sau 2 năm nội trú, Huyền trở nên bản lĩnh và trưởng thành hơn. Một lần cô nhận ca cấp cứu vào lúc 1h sáng. Nam bệnh nhân 60 tuổi bị ung thư tủy, viêm phổi nặng đang điều trị thì tim đột ngột lên cơn xoắn đỉnh rồi rung thất, ngừng tuần hoàn. Cô ngay lập tức ép tim, sốc điện cho bệnh nhân. "Khi ấy tim em đập nhanh như đánh trống", cô nhớ lại.

    Sau 10 phút cấp cứu, bệnh nhân dần hồi phục. Cô gái thở phào khi kịp thời cứu sống một tính mạng. Chưa bao giờ Huyền cảm nhận công việc của mình có ý nghĩa như thế.

    "Nhìn thấy bệnh nhân qua cơn nguy kịch là niềm hạnh phúc lớn nhất của bác sĩ cấp cứu", cô nói.

    Thùy An

    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - 3 năm quần quật học bác sĩ nội trú của cô gái trẻ

Share This Page