Rắn hổ mang chúa dễ dàng giết chết và ăn thịt rắn chuột bằng nọc độc mạnh tới mức có thể hạ gục một con voi. Rắn chuột không may chạm trán hổ mang chúa kịch độc. (Ảnh: Pavan Srinivas). Cuộc đối đầu kéo dài 4 tiếng giữa loài rắn độc lớn nhất thế giới và rắn chuột diễn ra trên dãy Western Ghats gần thị trấn Ujire thuộc thành phố Mangalore phía nam Ấn Độ vào tháng 8 năm ngoái và lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia Pavan Srinivas, theo Long Room. Loạt ảnh của Pavan ghi lại khoảnh khắc hổ mang chúa đói mồi nhìn thẳng vào mắt con rắn chuột không chút sợ hãi đang treo mình dưới cành cây. Rắn hổ mang chúa ngoạm đầu con mồi. (Ảnh: Pavan Srinivas). Sau trận chiến kịch liệt, rắn hổ mang chúa khống chế rắn chuột thành công và bơm nọc độc vào cơ thể con mồi qua răng nanh. Rắn chuột cố sức giãy giụa tìm cách thoát khỏi hàm răng ngoạm chặt của kẻ thù nhưng dần đuối sức khi ngấm nọc độc. Chờ rắn hổ mang chúa kết thúc bữa ăn, chuyên gia về rắn Joy Mascarenhas đưa nó tới nơi an toàn hơn. Rắn hổ mang chúa bơm nọc độc và nuốt chửng rắn chuột. (Ảnh: Pavan Srinivas). "Chúng tôi trông thấy con rắn hổ mang đen chui ra khỏi nơi trú ẩn để săn rắn chuột. Khi chúng tôi tới gần, cuộc chiến sắp nổ ra và tôi bảo bạn tôi chờ rắn hổ mang chúa ăn xong rắn chuột. Tôi đã chờ gần 4 tiếng mà không động đậy hay phát ra âm thanh nào. Khi rắn hổ mang chúa tấn công, mọi thứ diễn ra rất nhanh", Pavan chia sẻ. Theo Pavan, rắn hổ mang chúa Ấn Độ sinh sống nhiều trên dãy Western Ghats, có thể dài 5,5 mét. "Loài rắn này tiết ra lượng lớn nọc độc, có thể dễ dàng đoạt mạng một con voi trong vòng vài phút. Đây là loài rắn duy nhất xây tổ. Phần lớn thời gian, rắn hổ mang chúa ăn những loài rắn khác trong khi rắn chuột không có nọc độc chỉ ăn chuột, ếch nhái và các loài chim nhỏ", Pavan nói. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV