Dùng chỉ nha khoa sẽ giúp làm sạch các kẽ răng mà bàn chải đánh răng không chải tới được, cũng như giúp ngăn ngừa nguy cơ gây tổn thương nướu do sử dụng tăm xỉa. Đó là lí do tại sao các nha sĩ khuyến nghị mọi người nên dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Carlos Meulener, một nha sĩ uy tín ở New Jersey, Mỹ, hầu hết chúng ta đã sử dụng chỉ nha khoa sai cách suốt nhiều năm. Ông Meulener vừa cho đăng tải một video hướng dẫn kỹ thuật làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa "chuẩn" và đơn giản nhất để chúng ta có thể tự tin với nụ cười rạng rỡ. Theo tiến sĩ Meulener, trước hết chúng ta cần một đoạn chỉ nha khoa dài khoảng 45cm và cuốn nó vào các ngón tay trỏ, nhưng không quá chặt để tránh bị đau. "Lí do tại sao hầu hết mọi người gặp vấn đề với việc sử dụng chỉ nha khoa là họ cố gắng đưa quá nhiều chỉ vào bên trong miệng của mình. Cách kiểm soát chỉ là sử dụng các ngón tay cái cho hàm răng trên và các ngón giữa cho hàm răng dưới. Để một lượng chỉ vừa phải giữa các ngón tay này để bạn có thể điều khiển chúng dễ dàng từ bên này sang bên khác", ông Meulener cho biết. Nha sĩ Mỹ lưu ý, khi làm sạch kẽ răng ở hàm trên, chúng ta cần đặt các ngón cái ở cách nhau khoảng 2,5cm, rồi đưa chỉ nha khoa vào kẽ răng, thực hiện chuyển động lên, xuống dọc các răng, thay vì làm động tác "cưa" từ bên này sang bên kia. Trong đó, một ngón tay cái nên giữ đứng yên, trong khi ngón tay cái còn lại được dịch chuyển lên và xuống để tạo thành chuyển động loại bỏ vi khuẩn ra khỏi kẽ răng. Tương tự đối với hàm răng dưới, một ngón tay giữa nên giữ đứng yên, trong khi ngón giữa còn lại dịch chuyển lên, xuống giữa các răng. Cách kiểm soát chỉ là sử dụng các ngón tay cái cho hàm răng trên và các ngón giữa cho hàm răng dưới. Khi bạn thành thạo, toàn bộ quá trình trên chỉ mất 1 phút, nhưng sẽ đem lại khác biệt lớn cho sức khỏe răng miệng của bạn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa có thể ngăn ngừa sự tích tụ các mảng bám gây khó chịu và viêm nướu, do thức ăn trét vào các kẽ răng gây ra. Bệnh nướu răng khiến khổ chủ có hơi thở kém thơm tho, nướu bị chảy máu và nếu không được chữa trị sẽ dẫn đến các lỗ thủng ở răng, tụt nướu, lộ chân răng và hỏng răng. Thống kê cho thấy, 15 - 20% người trưởng thành trong độ tuổi từ 35 - 44 trên thế giới bị bệnh nướu răng nghiêm trọng. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV