Trên băng ca, bệnh nhân 55 tuổi quê Vĩnh Long thở ngáp, da tím tái, phù toàn thân, kích thích nhiều. "Chậm trễ vài phút có thể khiến bệnh nhân gặp nguy hiểm", tiến sĩ Bùi Minh Thành, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), nhận định nhanh trong lúc cùng đồng nghiệp đưa bệnh nhân vào phòng mổ lúc 14h30 ngày 29/11. Những ca thuyên tắc gần như hoàn toàn động mạch phổi cả hai bên như trường hợp này, bác sĩ khó trở tay kịp, hầu hết bệnh nhân không qua khỏi. "Phổi bị thuyên tắc, máu không đến phế nang để trao đổi oxy được nên tình cảnh bệnh nhân giống như 'chết đuối trên cạn', áp lực trong buồng tim cũng rất căng khiến bệnh nhân suy tim, đột tử bất cứ lúc nào", bác sĩ Thành phân tích. Màn hình hiển thị độ bão hòa oxy, khí máu động mạch của bệnh nhân tụt nhanh, gần như chỉ còn thở ngáp. Các bác sĩ nhanh chóng cho bệnh nhân thở oxy, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc mổ cấp cứu. Trên bàn phẫu thuật, bệnh nhân được bắt đầu gây mê khi diễn tiến đã rất xấu, mạch nhanh, huyết áp dao động, tăng áp phổi nặng, giãn buồng tim, sắp suy thận... Mở ngực bệnh nhân, kíp mổ ghi nhận những huyết khối đã cứng chắc bám như những "cành cây" ở động mạch phổi hai bên, cũng như trong tim. Sau khi lấy huyết khối khỏi hệ động mạch phổi hai bên, tái lập lưu thông mạch máu, các bác sĩ tiếp tục lấy huyết khối ở nhĩ phải và tĩnh mạch chủ dưới. Cuộc mổ có sự hỗ trợ của tuần hoàn ngoài cơ thể, lọc máu và hạ thân nhiệt. "Huyết khối ở nhiều nơi nên đòi hỏi kíp mổ phải phối hợp khẩn trương, khéo léo lấy sạch để tránh nguy cơ hội chứng hậu thuyên tắc", bác sĩ Thành nói. Đến 17h15 ca mổ thành công. Bệnh nhân được sưởi ấm tim, chuyển về hồi sức tim tích cực và tỉnh dần với sinh hiệu ổn định. Ngày 5/12, bệnh nhân tự thở đều, có thể ngồi dậy ăn uống trò chuyện, được theo dõi điều trị tránh nguy cơ huyết khối tái phát. Bệnh nhân hồi phục sau mổ. Ảnh: Lê Phương. Theo bác sĩ Thành, đa số bệnh nhân thuyên tắc phổi mức độ nặng dễ tử vong do bệnh diễn tiến quá nhanh, bệnh nhân vào viện cấp cứu trễ. Có nhiều trường hợp bác sĩ chưa kịp phán đoán phát hiện bệnh, thậm chí trong lúc đang hội chẩn, chưa kịp đưa lên phòng mổ thì bệnh nhân đã qua đời. Một số ít bệnh nhân được mổ nhưng tử vong giữa chừng do đây là loại phẫu thuật nhiều nguy cơ. Nữ bệnh nhân này được mổ ung thư cổ tử cung ngày 19/11. Hậu phẫu 6 ngày, bác sĩ ung bướu nhận thấy dấu hiệu thuyên tắc nên chuyển viện qua Nhân dân Gia Định. Không lường được nguy hiểm nên bà về thẳng phòng trọ nghỉ ngơi. Hai ngày sau, bệnh nhân bắt đầu ho khan, khó thở nhẹ, hơi yếu liệt chân phải. Đến 29/11, bà khó thở dữ dội, đau tức ngực, ho khan nhiều, hồi hộp đánh trống ngực nên đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Bác sĩ cấp cứu nhận định được khả năng thuyên tắc phổi, cần phẫu thuật khẩn cấp chứ không thể điều trị thuốc tiêu sợi huyết hay hút huyết khối bằng catheter như các trường hợp nhẹ. Do bệnh nhân vừa mổ ung thư, người nhà không muốn tiếp tục phẫu thuật mà chỉ điều trị nội khoa. Bác sĩ phải giải thích cặn kẽ tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, thuyết phục người nhà vì nếu còn chần chừ thêm thời gian sẽ ảnh hưởng tính mạng. Với lượng huyết khối này, bệnh nhân sẽ cầm chắc cái chết nếu không mổ. Huyết khối lấp trong các mạch máu bệnh nhân được phẫu thuật đưa ra ngoài. Ảnh bác sĩ cung cấp. "Lúc hội chẩn, biểu hiện bề ngoài bệnh nhân còn tỉnh, chưa nghiêm trọng, may mắn bác sĩ ở cả hai khoa đã không chủ quan, phán đoán được tình hình nên có hướng xử trí kịp thời", bác sĩ Thành cho biết. Nếu không định hướng từ đầu được tầm quan trọng của phẫu thuật, dù bệnh nhân ở ngay trong viện thì khi trở nặng vẫn khó xoay sở kịp. "Đây là lần đầu tôi ra tận cửa khoa đón bệnh nhân vào mổ vì tính khẩn cấp, trong không khí chạy đua với tử thần", ông Thành nói. Khi ấy bác sĩ Thành mới mổ tim xong cho một bệnh nhân khác, vừa chuyển qua hồi sức nên thuận tiện sắp xếp đón bệnh nhân này vào mổ ngay. Thuyên tắc - huyết khối tĩnh mạch được xem là kẻ sát nhân thầm lặng vì không có triệu chứng rõ, thường bị xem nhẹ và không chú ý chẩn đoán cho đến khi xảy ra biến cố thuyên tắc phổi, tử vong. Một số yếu tố nguy cơ thường gặp là bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật, chấn thương nặng, bất động nằm lâu, người ung thư, lớn tuổi, hút thuốc, béo phì, mang thai sinh nở, bệnh lý di truyền... Việt Nam chưa ghi nhận nhiều bệnh nhân thuyên tắc phổi nặng được mổ cứu thành công. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress