6 giờ sáng mỗi ngày bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Quốc Vinh hướng dẫn các cụ già tập bài yoga cười. Âm thanh giòn giã vang một góc phố. "Kể từ ngày đầu tham gia câu lạc bộ, cuộc sống của tôi chưa bao giờ ngớt tiếng cười", anh nói. Anh Phạm Quốc Vinh, 33 tuổi, là dược sĩ tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Từ bé, Vinh đã rất thích tham gia hoạt động xã hội và là tình nguyện viên năng nổ trong nhiều phong trào. Kể cả khi đã đi làm, bận rộn, Vinh vẫn muốn được cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng nên tham gia vào các lớp kỹ năng mềm, tự tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng nhưng đều thất bại. "Tôi đã định từ bỏ", Vinh kể. Chiếc áo vàng Yoga cười đã cùng anh mang tiếng cười đến mọi người trong suốt 8 năm. Ảnh: Thùy An Đầu năm 2011, anh nhận được lời mời tham gia một khóa huấn luyện viên Yoga cười. Không biết nhiều thông tin về môn này, anh vẫn tham gia để tìm hiểu. Sau nhiều lần trắng tay, đây có thể là con đường mở ra cơ hội mới cho anh hoạt động vì cộng đồng. Yoga cười là một môn khoa học về tiếng cười, cười càng to, càng nhiều sẽ càng sảng khoái và tốt cho tinh thần. Khi tập yoga cười, mọi người được thư giãn, cười đùa vui vẻ. Yoga cười sẽ giúp người tập có thể lực tốt và lối sống tích cực hơn. Tuy nhiên, bộ môn này thường sẽ tạo âm thanh rất lớn nên đòi hỏi địa điểm tập rộng thoáng như công viên rộng, hội trường lớn. Tháng 3/2011, sau khi kết thúc khóa huấn luyện, anh bắt đầu hướng dẫn yoga cười cho những người xung quanh và các bệnh nhân trong chương trình "Mang âm nhạc đến bệnh viện". Năm 2015, anh Vinh lên đường sang Ấn Độ để tìm hiểu thêm kiến thức về bộ môn này. Ngoài ra, anh còn tham dự hội thảo về yoga cười ở Malaisia, Hồng Kông. Tại đây, Vinh được thầy Madan Kataria, người sáng lập môn yoga cười trực tiếp giảng dạy. Thầy dạy rằng "khi bạn cười bạn thay đổi, khi bạn thay đổi thì thế giới cũng thay đổi". Cuộc đời Vinh cũng thay đổi. Vinh và các học viên câu lạc bộ yoga cười. Ảnh: Thùy An Anh quyết định làm hướng dẫn viên cho các câu lạc bộ yoga cười ngoài trời. Thời gian đầu, Vinh mất rất nhiều thời gian để thuyết phục mọi người tham gia. Câu lạc bộ yoga cười Lý Thái Tổ là đầu tiên ở Việt Nam, hiện do anh duy trì. Sau 5 năm, anh đã mở rộng thêm các câu lạc bộ khác ở Hồ Ba Mẫu, phố Lê Thái Tổ, Hồ Gươm. Ngoài ra, anh còn tổ chức các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân tại bệnh viên Ung Bướu, Bạch Mai, Đống Đa, K3. Sau 8 năm hoạt động miễn phí, anh nói rằng câu lạc duy trì bởi sự tự giác và đồng thuận của tất cả mọi người. Anh không nhớ nổi mình đã dạy cho bao nhiêu học viên, chủ yếu là người cao tuổi, những người có ý thức rèn luyện về sức khỏe hơn. "Họ gọi tôi là thầy, tôi lúng túng xưng con và các cụ ", anh nhớ lại kỷ niệm về buổi dạy đầu tiên. Chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên và có những học sinh lớn tuổi như vậy. "Được làm việc với các cụ là món quà ý nghĩa mà cuộc sống tặng cho tôi", Vinh nói. Mỗi buổi học yoga cười kéo dài một tiếng, bất kể thời tiết. "Có nhiều hôm lạnh 16,17 độ, vừa mưa vừa rét", anh kể, "dù chỉ một người đến thì Vinh vẫn dạy". Các học viên cao tuổi của anh đi tập rất đều và luyện tập chăm chỉ. Theo tập câu lạc bộ Yoga cười 2 năm, cô Dương Thị Hạo, 60 tuổi, cảm thấy sức khỏe được cải thiện, sống vui vẻ và tích cực hơn. Mỗi ngày, cô và các bạn tập đến lớp học yoga cười của anh Vinh tại Hồ Gươm để tập luyện. " Vinh có nhiệt huyết của tuổi trẻ, biết nghĩ cho cộng đồng. Tôi mừng vì được là một học trò của em", cô Hạo nói. Anh Quốc Vinh ( áo vàng ) cùng các cụ trong Câu lạc bộ Yoga cười. Ảnh: Thùy An Từ ngày tập yoga cười, Vinh học được cách chủ động và sắp xếp thời gian linh động hơn. Mỗi ngày, anh dành một tiếng vào buổi sáng để tham dự các lớp yoga cười để rèn luyện sức khỏe. Cuối tuần, anh còn tham gia các lớp hướng dẫn bệnh nhân về yoga cười ở các bệnh viện. Vinh dần thấm thía hơn giá trị của cuộc sống và rèn luyện được thói quen đúng giờ. "Vinh không còn phải làm một mình". Đến nay, mọi hoạt động của anh đều nhiều sự hỗ trợ từ mọi người, nhất là bệnh viện. Ngoài ra, anh còn dịch sách về yoga cười để tặng cho học viên của yoga cười. Anh muốn sẽ mở thêm các lớp huấn luyện viên để đưa yoga cười nhiều nơi và giúp đỡ được nhiều người hơn. Chàng dược sĩ trẻ hy vọng bệnh nhân có thể chăm sóc sức khỏe và khỏi bệnh bằng liều thuốc tinh thần. Ngoài yoga cười, bệnh nhân có thể tìm hiểu và chọn các bài tập thể dục khác để nâng cao sức khỏe và chiến thắng bệnh tật. "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Ông bà dạy quả chẳng sai", Vinh nói. Anh Quốc Vinh đang hướng dẫn các cụ tập hít thở. Video: Thùy An Thùy An Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress