Nghén, tiểu đường, tiền sản giật… là những bệnh mà các bà bầu rất dễ mắc phải trong suốt 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau. Theo bác sĩ Vũ Thị Thanh Dung, Trưởng khoa 2 Khoa sản Bệnh viện Hùng Vương, TP HCM, để mẹ tròn con vuông, không chỉ cần sự nỗ lực từ mẹ mà còn cần rất nhiều sự hỗ trợ và thông cảm của bố trong suốt thai kỳ. Ảnh: Marchofdimes.com 1. Nghén Đây là chứng bệnh xảy ra với đa số chị em trong tam cá nguyệt thứ nhất. Bà bầu không ăn được, thường xuyên nôn ọe, sợ một số mùi nhất định hoặc tự dưng thèm một món ăn nào đó. Có nhiều thai phụ trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ không thể lên cân, thậm chí còn bị sụt giảm trọng lượng. Nếu thai phụ bị nôn ọe nhiều, mất nước, giảm trọng lượng nhiều cần phải nhập viện để bác sĩ theo dõi. Một số người mắc chứng ốm nghén nặng tới tận ngày sinh, tên tiếng Anh là Hyperemesis Gravidarum (HG) cần được bác sĩ theo dõi đặc biệt. Khi cơ thể người mẹ không hấp thụ được dinh dưỡng, nguy cơ thai nhi suy dinh dưỡng là rất cao. 2. Tiểu đường Rất nhiều chị em bình thường không mắc căn bệnh này nhưng đến khi mang thai lại phát hiện ra lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường. Trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, mỗi lần đi siêu âm thai, sản phụ thường được bác sĩ cho xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra lượng đạm và đường trong máu. Đặc biệt, khi thai nhi ở tuần tuổi thứ 22, bà bầu sẽ được bác sĩ chỉ định test 75g đường. Trong bài test này, sản phụ sẽ lần lượt trải qua 3 lần thử máu. Lần thứ nhất: lấy máu khi đói. Tiếp đó sản phụ được uống 75gr đường trong 250ml nước (không nóng không lạnh) và lấy máu lần thứ hai sau đó một giờ. Lần lấy máu thứ ba diễn ra sau lần thứ hai một giờ. Nếu người mẹ bị xác định là có lượng đường trong máu cao bất thường, sẽ tuyệt đối không được ăn đường tươi, kem, chè, kẹo bánh, chocolate. Thậm chí, thai phụ cũng phải kiêng một số trái cây có độ ngọt cao như hồng xiêm, nhãn, sầu riêng…, được phép ăn ổi và những loại quả chua, giàu vitamine C. Mỗi bữa, mẹ bị tiểu đường chỉ được ăn một bát cơm. Bác sĩ Thanh Dung khuyên, mỗi bữa, hay xếp ra 3 bát cơm và thức ăn cho mẹ gồm 1 bát cơm, 1 bát thịt (cá) và 1 bát rau. Người mắc bệnh tiểu đường thường rất thèm ăn nên cần phải giới hạn trước lượng thức ăn họ được phép tiêu thụ. Một số bà bầu có đường huyết cao sẽ hết khỏi bệnh sau khi sinh. Thai phụ dễ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nếu là người bị cao huyết áp hoặc gia đình có người bị béo phì, tiểu đường. Con của những bà mẹ tiểu đường cũng dễ mắc nguy cơ rối loạn chuyển hóa đường như mẹ. Người mẹ bị tiểu đường thường khó đẻ do em bé vai to, đầu to, thời gian chuyển dạ kéo dài khiến con có nguy cơ bị suy thai. Nếu mổ lấy thai, người mẹ cũng dễ bị nhiễm trùng, vết mổ lâu lành hơn bình thường. Vì thế việc điều trị đường huyết cao cần được thực hiện một cách nghiêm túc. 3. Viêm âm đạo Trong tam cá nguyệt thứ hai, khi người mẹ hết nghén, ăn uống thoải mái, vợ chồng có thể hoạt động tình dục bình thường. Tuy nhiên, sex trong giai đoạn này cũng khiến thai phụ có nguy cơ bị viêm âm đạo nhiều hơn. Nếu thai phụ thấy xuất hiện huyết trắng, hoặc vàng, xanh và ngứa nhiều cần phải nói với bác sĩ để được can thiệp kịp thời. Nếu bệnh viêm âm đạo không được điều trị, có thể dẫn đến viêm màng ối, vỡ ối sớm và sinh non. Ngoài ra, nếu lúc trở dạ, mẹ vẫn còn bị viêm âm đạo, bé có nguy cơ nhiễm nấm khi đi qua. 4. Bệnh lý tim trở lại Khi mang thai, một nhát bóp của trái tim người mẹ dùng để cung cấp ô-xi cho cả mẹ và con, vì thế những người có tiền sử bệnh tim dễ bị suy tim trở lại và phù phổi cấp tính. Nếu việc mang thai khiến người mẹ không ăn được, con cũng dễ dàng bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ suy thai. Vì thế, khi mang thai, người mẹ nếu có tiền sử bệnh tim cần phải nói với bác sĩ để được theo dõi và can thiệp kịp thời khi có vấn đề xảy ra. 5. Tiền sản giật (sản giật) Bệnh lý này thường xuất hiện trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba, đôi khi cũng có thể xuất hiện từ tam cá nguyệt thứ hai. Khi người mẹ bị phù, tiểu ra đạm và cao huyết áp, hãy nghĩ ngay tới tiền sản giật. Tiền sản giật nếu làm co thắt các tiểu động mạnh ở não, bà bầu sẽ nhức đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác; nếu làm co thắt các tiểu động mạnh ở gan, mẹ sẽ đau thượng vị; nếu ở thận, mẹ sẽ tiểu ít, tiểu ra đạm (màu xanh), tiểu ra sắt (màu nâu đỏ). Tiền sản giật nếu không được điều trị, thai phụ sẽ lên cơn co giật, xuất huyết não, phù não, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong. 6. Nhau tiền đạo Chứng bệnh này thường được phát hiện thông qua siêu âm, khi nhau thai nằm ở vị trí thấp, chặn đường ra của thai nhi. Khi bong nhau, người mẹ thường bị xuất huyết âm đạo, có thể chảy máu nhiều lần. Nếu xuất huyết diễn ra quá nhiều, mẹ bị mất máu, sẽ nguy hiểm cho cả mẹ và con. Ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba, thai bắt đầu xoay một cách tự nhiên để đưa đầu xuống. Nếu người mẹ bị nhau tiền đạo, khi thai xoay cũng gây ra hiện tượng xuất huyết. 7. Băng huyết, bí tiểu và tá bón sau sinh Bạn đã trải qua 9 tháng đeo ba lô ngược đầy khó nhọc, nhưng khi em bé được bác sĩ đón ra rồi, bạn cũng chưa hoàn toàn thở phào. 24 giờ đầu sau sinh là ngày hậu sản rất quan trọng. Khi nhau thoát ra ngoài cùng em bé, mẹ bị hở nhiều mạch máu, nguy cơ chảy máu, băng huyết rất cao. Sau sinh, sản phụ cần được giữ lại 1-2 tiếng trong phòng hậu sản, thậm chí có người cần được giữ lại tới 6 tiếng. Vừa trải qua một quá trình vượt cạn khó nhọc, thai phụ cần được ăn ngay sau sinh, nên ăn những thức ăn lỏng như sữa nóng, cháo nóng và cần được ngủ để hồi sức. Sản phụ không cần phải kiêng khem khi ăn uống, chế độ dinh dưỡng nên đảm bảo đầy đủ đường, đạm, béo, nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày (tính cả nước ở trong canh, sữa, hoa quả), nên ăn nhiều rau xanh để tránh bị táo bón sau sinh. Sản phụ nên thay băng vệ sinh 2 giờ đồng hồ mỗi lần, bởi máu là môi trường nuôi dưỡng vi trùng cực tốt. Vết may tầng sinh môn sẽ nhanh chóng ổn định khi xung quanh khô ráo. Kim Kim Nguồn VNExpress