Đèn phòng phẫu thuật tắt, bác sĩ Linh bước ra ngoài khi đã 22h. Cất bộ quần áo mổ, anh đi về phòng riêng và tiếp tục xem xét tập bệnh án trên bàn. "Công việc ngày nào cũng bận rộn, phải xong ca mổ tôi mới xong việc và muốn hoàn thành tốt công việc thì phải có sức khỏe tốt", bác sĩ Linh nói. Bác sĩ Huỳnh Linh ( bên phải ) và đồng nghiệp. Ảnh: NVCC Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh 36 tuổi làm việc tại Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam. Anh còn là giảng viên Bộ môn Tim mạch Đại học Y Hà Nội. Mỗi tuần, anh phải làm việc hơn 60 giờ. Có hôm phải mổ 10 ca, suốt ngày đứng mổ. "Tôi đứng được lâu như vậy nhờ thường xuyên chạy bộ", bác sĩ nói. Số bệnh nhân tim mạch ngày càng nhiều và các bệnh trong lĩnh vực này ngày càng phức tạp. Là bác sĩ tim mạch, anh khẳng định những người thường xuyên chạy bộ sẽ giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh so với người lười vận động. Năm 2013, khi đang công tác tại Viện Tim mạch Quốc gia Singapore, anh bắt đầu tập chạy. Không phải là người có năng khiếu về thể thao nhưng lòng đam mê và sự kiên trì đã giúp anh theo đuổi môn này 5 năm qua. Linh tham gia nhiều sự kiện chạy bộ trong và ngoài nước. Thành tích tốt nhất của anh là chạy full marathon (42,2 km) trong 3 giờ một phút và chạy 94 km trong 12 giờ liên tục. "Chỉ cần sức khỏe tốt và sự kiên trì thì bao nhiêu km cũng vượt qua", anh nói. "Chạy bộ giúp tôi cân bằng cuộc sống và đóng góp cho cộng đồng". Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh đang chinh phục một cuộc đua. Ảnh: NVCC Mỗi ngày bác sĩ tận dụng mọi thời gian rảnh để chạy bộ, thường là vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Cuối tuần, anh chạy đường dài từ 2 đến 3 tiếng. Theo Huỳnh Linh, chạy bộ là môn thể thao dành cho hầu hết mọi người. Anh thường khuyên những người xung quanh tập thể dục đều đặn nhằm giảm cân, giải tỏa căng thẳng, phòng ngừa nhiều bệnh, nhất là tim mạch. "Tuy nhiên, với người đã có bệnh, nên rất thận trọng khi chạy", bác sĩ Linh nói. Người bị bệnh tim mạch chỉ nên tập vừa sức, tránh gắng sức, ăn uống điều độ và chế độ dinh dưỡng hợp lý để duy trì khả năng thể dục thể thao lâu dài.. Anh mong niềm đam mê chạy của mình sẽ truyền cảm hứng tích cực giúp mọi người có ý thức rèn luyện sức khỏe. Bí quyết để có thời gian chạy là lập kế hoạch làm việc chi tiết từng ngày để tối ưu thời gian, sắp xếp công việc một cách hợp lý, khoa học, giảm các hoạt động không cần thiết như vào mạng xã hội... để dành nhiều thời gian hơn cho công việc và đam mê. Bác sĩ Linh trên đường chạy hằng ngày. Ảnh: NVCC Thùy An Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress