Các nhà khoa học đến từ hai trường đại học Mỹ là Harvard và Yale vừa đề xuất ý tưởng chống lại sự nóng lên toàn cầu bằng cách sử dụng hóa chất để giảm bớt cường độ của ánh sáng mặt trời. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Environmental Research Letters gần đây, họ cho rằng nếu phun một lượng lớn hạt sulfate vào tầng bình lưu của Trái đất ở độ cao khoảng 20km (qua đó làm dịu ánh sáng mặt trời), có thể giảm một nửa tác động của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Đài RT cho hay kế hoạch có thể được tiến hành trong vòng 15 năm với chi phí ban đầu khoảng 3,5 tỉ USD, tiếp theo là một khoảng thời gian 15 năm nữa với chi phí 2,5 tỉ USD - mức giá tương đối thấp nếu xét về quy mô và ý nghĩa của dự án. Ban đầu, một hạm đội gồm 8 tàu sẽ vận chuyển hóa chất, sau đó mở rộng lên gần 100 tàu để vận chuyển số lượng hóa chất cần thiết trên toàn thế giới. Hóa chất được đưa lên tầng bình lưu có thể bằng máy bay, khinh khí cầu hoặc dùng đại bác bắn lên. Bản Đánh giá Khí hậu quốc gia lần thứ 4 của Mỹ cảnh báo cháy rừng gia tăng nếu biến đổi khí hậu không được kiểm soát. (Ảnh: EPA). Tuy nhiên, tồn tại rất nhiều hạn chế kỹ thuật đối với kế hoạch mà chính các nhà khoa học cũng thừa nhận là "đậm tính giả thuyết" này. Hiện thời không có máy bay nào mang được một lượng lớn hóa chất lên không trung trong khi ý tưởng sử dụng tên lửa đẩy hạng nặng Falcon Heavy của Công ty SpaceX bị loại trừ do quá tốn kém. Các nhà khoa học cũng thừa nhận phun sulfate vào tầng bình lưu có thể ảnh hưởng năng suất cây trồng, dẫn đến hạn hán hoặc gây ra thời tiết khắc nghiệt, đồng thời không đề cập vấn đề phát thải khí nhà kính - nguyên nhân hàng đầu gây ra sự nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, kế hoạch đòi hỏi sự phối hợp đa phương, bao gồm Mỹ, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên bày tỏ nghi ngờ về biến đổi khí hậu. Quan điểm ngờ vực một lần nữa thể hiện qua tuyên bố của Nhà Trắng đối với bản Đánh giá Khí hậu quốc gia lần thứ 4 của Mỹ công bố hôm 23/11. Theo bản đánh giá do nhiều cơ quan chính phủ Mỹ thực hiện, Mỹ sẽ chịu thiệt hại hàng trăm tỉ USD - từ cơ sở hạ tầng đến sản xuất nông nghiệp - cùng với thiệt hại cho sức khỏe con người, chất lượng cuộc sống và tốc độ phát triển kinh tế vì tình trạng biến đổi khí hậu vào cuối thế kỷ này. Báo cáo trên thu hút chú ý bởi hai lý do. Thứ nhất, nó không trừu tượng mà đưa ra nhiều ví dụ cụ thể như tràn đập ở bang Nam Carolina, ảnh hưởng trồng trọt ở Vùng đồng bằng Lớn (Great Plains), bệnh do côn trùng gia tăng ở bang Florida… Thứ hai, nó xoáy vào tác động kinh tế, thách thức tuyên bố "ưu tiên tăng trưởng kinh tế thay vì các quy định về môi trường" của Nhà Trắng. Đáp lại, người phát ngôn Nhà Trắng Lindsay Walters cho rằng báo cáo này không chính xác vì "chủ yếu dựa vào viễn cảnh cực đoan nhất". Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV