Họp với Sở Y tế TP HCM ngày 20/11, bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu TP HCM, cho biết hệ thống điều hành thông minh được thử nghiệm 2 tuần qua, bước đầu mang lại nhiều hiệu quả. Trung tâm đang tiếp tục hoàn thiện các quy trình để được duyệt triển khai chính thức. Theo quy trình này, người dân gọi số cấp cứu 115, nhân viên tiếp nhận cuộc gọi vừa trao đổi với người gọi vừa nhập thông tin về địa chỉ, tình trạng bệnh vào máy tính. Thông tin cấp cứu được phân loại theo nhóm bệnh lý để kíp y bác sĩ trực cấp cứu chuẩn bị phương tiện, thuốc phù hợp. Thông tin trên hệ thống điều hành trung tâm đồng thời được chuyển đến ê kíp trực lên xe cứu thương qua điện thoại thông minh. Ngồi trên xe, kíp cấp cứu đi hiện trường kiểm tra lại những thông tin của người gọi, xác định nơi cần đến qua bản đồ định vị. Bản đồ hiển thị con đường ngắn nhất đến hiện trường. Y bác sĩ ngồi trên xe tiếp tục trao đổi thông tin với người gọi cấp cứu và hướng dẫn cách sơ cứu trong khi chờ xe cứu thương đến. Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu TP HCM (áo xanh) giải thích về hệ điều hành thông minh cho Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM. Ảnh: Lê Phương. Nhân viên điều phối ở trung tâm dễ dàng quan sát các nhóm cấp cứu đang đi thực hiện nhiệm vụ trên thực tế, dễ dàng điều phối xe cứu thương đang ở trạng thái chờ. Cấp cứu xong, bác sĩ ghi chép dữ liệu vào hồ sơ điện tử ngay trên điện thoại thông minh. Việc quản lý vật tư, thuốc cũng dễ dàng hơn với phần mềm đã tích hợp sẵn. Sau khi đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện phù hợp, nhân viên y tế về trung tâm có thể kiểm tra lại thông tin đã nhập trước đó qua hệ thống điều hành trung tâm. Trước đây khi chưa có hệ điều hành thông minh, các nhân viên tiếp nhận cuộc gọi phải tự ghi thông tin ra giấy. Tùy vị trí của bệnh nhân, kíp cấp cứu sẽ gọi điện chuyển tải thông tin đến trạm vệ tinh gần nhất. "Theo cách cũ, nếu trạm vệ tinh bị bận không thể xuất xe, kíp cấp cứu phải gọi và trình bày lại từ đầu với trạm khác, rất mất thời gian. Với ứng dụng công nghệ thông tin, người điều phối nắm rõ tình hình các xe cấp cứu đang ở đâu, trong tình trạng như thế nào, dễ dàng điều chuyển xe đi các địa bàn gần nhất", bác sĩ Long chia sẻ. Y bác sĩ cấp cứu rút ngắn thời gian thao tác nhờ sử dụng hệ thống điều hành mới. Ảnh: Lê Phương. Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM sẽ triển khai ứng dụng để người dân có thể cài vào điện thoại, nắm được xe cứu thương di chuyển đến đâu. "Nhiều người sau khi gọi cấp cứu, không cập nhật được tình hình xe di chuyển đến đâu nên sốt ruột loay hoay tìm phương tiện khác. Điều này vừa ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân, vừa gây lãng phí nguồn lực cấp cứu vì xe đến nơi không còn bệnh nhân phải quay về", bác sĩ Long phân tích. Sau khi hoàn thiện mạng lưới công nghệ thông tin ở 25 trạm cấp cứu, Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM tiến tới kết nối với khoa cấp cứu của các bệnh viện. Khi ấy các kíp cấp cứu sẽ nắm rõ bệnh viện có đang quá tải hay không để điều chuyển bệnh nhân đến. Bệnh viện cũng có sự chuẩn bị trước, xe chưa đến thì viện đã nắm rõ thông tin để đón bệnh nhân. Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM đánh giá hệ thống điều hành thông minh là hoạt động không thể thiếu sau khi hình thành 25 trạm cấp cứu vệ tinh, giúp việc điều phối xe cứu thương đến hiện trường nhanh nhất và hiệu quả nhất, thuận lợi trong giao tiếp với thân nhân người bệnh, giảm các khâu giải quyết thủ công mất thời gian. Trang phục mới thay cho áo blouse giúp các y bác sĩ thuận tiện xử trí cấp cứu, vận chuyển người bệnh. Ảnh: 115. Hai năm qua, TP HCM đã đi tham quan học tập các mô hình cấp cứu ở nước ngoài để có những cải tiến phù hợp. Tháng 10, Trung tâm Cấp cứu 115 triển khai đồng phục mới thay cho áo blouse, giúp thuận tiện cho việc sơ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân. Đầu tháng 11, thành phố thí điểm cấp cứu bằng xe máy 2 bánh. TP HCM đang hướng đến đào tạo chuyên viên cứu thương paramedic (ngoại viện) và phát triển nhiều loại xe cấp cứu. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress