Lần đầu tiên trong 18 năm, Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) phải đối mặt với nguy cơ không có phi hành gia làm việc trên trạm, sau sự cố xảy ra vào đầu tháng 10 vừa qua với tàu vũ trụ Soyuz MS-10, khiến chuyến bay đưa các nhà du hành vũ trụ lên trạm bị hủy. Vậy, ISS sẽ ra sao nếu không còn ai ở đây? Những phi hành gia cuối cùng sắp trở về Trái đất Tháng 11/2000, tàu vũ trụ chở theo một phi hành gia người Mỹ và 2 phi hành gia người Nga đã lên đến trạm ISS. Kể từ đó, ISS được coi như ngôi nhà của các nhà du hành vũ trụ. Trong những năm qua, đã có nhiều phi hành gia đến và rời khỏi ISS sau khi hoàn thành các sứ mệnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Họ mang nhiều quốc tịch khác nhau, đầu tiên là Nga và Mỹ, sau đó còn có Nhật Bản, Đức, Italia, Pháp, Canada và các nước khác. Đây là nơi các nhà nghiên cứu và tiến hành các thử nghiệm quan trọng trong môi trường không trọng lực. Một điều không thay đổi trong suốt 18 năm qua, đó là luôn có con người sống trên trạm ISS. Mỗi khi có một phi hành gia nào đó trở về Trái đất, thì một người khác có mặt và tiếp nối công việc trên trạm không gian. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ISS đang đối mặt với nguy cơ bị bỏ hoang. Các nhà du hành quốc tế trên trạm ISS. Hôm 11/10 vừa qua, tên lửa đẩy phóng tàu vũ trụ Soyuz MS-10 chở theo nhóm phi hành gia gồm một người Nga (ông Aleksey Ovchinin) cùng một nhà du hành thử nghiệm hàng đầu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) (ông Nick Hague), đã gặp phải trục trặc ngay khi khởi hành được vài phút. Khi tổ hợp tên lửa đẩy và tàu vũ trụ chuẩn bị rời khỏi bầu khí quyển, hệ thống máy tính của tàu con thoi du hành phát hiện điểm bất thường trong bộ phận tên lửa phản lực. Tàu tự động chuyển sang quy trình hủy nhiệm vụ và mở động cơ tự hành, tách khỏi tên lửa đẩy. Cả 2 phi hành gia may mắn thoát chết sau sự cố. Một cuộc điều tra về nguyên nhân vụ việc đã nhanh chóng được tiến hành. Đây là lần đầu tiên sau 35 năm, tàu vũ trụ vận tải có người lái Soyuz thất bại trong giai đoạn phóng tên lửa. Quan chức 2 nước khẳng định, mọi chuyến bay lên Trạm Vũ trụ quốc tế sẽ bị tạm hoãn cho đến khi có kết quả điều tra rõ ràng. Hiện tại, trên trạm ISS vẫn có 3 phi hành gia đang hoạt động gồm: Sergey Prokopyev (Nga), Serena Aunon-Chancellor (Mỹ) và Alexander Gerst (Đức). Các nhà khoa học kiêm phi hành gia nói trên đã lên trạm ISS từ tháng 6 và có kế hoạch quay trở lại Trái đất vào tháng 12, sau khi tàu Soyuz hết thời hạn ở lại trong không gian. Theo đúng kế hoạch, 2 phi hành gia Hague và Ovchinin sẽ có mặt tại đây để tiếp nối công việc, nhưng sự cố vừa qua đã đặt ra một câu hỏi đáng lo ngại rằng: Sẽ ra sao nếu bộ 3 phi hành gia phải trở về nhưng vẫn chưa có kết luận điều tra và không có phi hành đoàn nào lên ISS nữa? Kjell Lindgren, một phi hành gia NASA đã hoạt động trên ISS hồi năm 2015 cho biết, việc không có ai sống trên trạm vũ trụ quốc tế là điều chưa bao giờ xảy ra trong suốt những năm qua. Đây là một điều hoàn toàn mới mẻ. Sự hiện diện của con người trên ISS là cần thiết Một điều cần lưu ý là Trạm Vũ trụ quốc tế không cần sự có mặt của một phi hành đoàn để điều khiển, mà trung tâm kiểm soát dưới mặt đất cũng có thể vận hành trạm trong một khoảng thời gian nhất định. Trong trường hợp thực sự cần thiết, Nga cũng có thể đưa các tàu vũ trụ chở hàng hóa và các thiết bị tân tiến hơn lên ISS, đốt động cơ đẩy để giữ nó ở bay đúng quỹ đạo thông thường. Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) mới đây đã đưa ra kết luận về nguyên nhân sự cố hôm 11/10. Theo đó, lỗi xuất phát từ động cơ tên lửa đẩy và điều này hoàn toàn khắc phục được trong các lần phóng tiếp theo. Roscosmos cũng đã lên kế hoạch cho lần bay sau của phi hành đoàn, dự kiến ngày 3/12, chỉ 10 ngày trước khi bộ 3 phi hành gia đang sống trên trạm trở về Trái đất. Nếu lần phóng này thành công, Trạm Vũ trụ quốc tế sẽ không phải đối mặt với tình trạng bị bỏ hoang. Nhưng trước khi phía Nga hoàn thành cuộc điều tra, NASA đã chuẩn bị cho khả năng ISS không có người ở. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ đã lên kế hoạch dự phòng, hướng dẫn các phi hành gia thực hiện sứ mệnh quay về Trái đất nhưng vẫn đảm bảo cho hệ thống trên trạm hoạt động tốt, thực hiện các cài đặt sao lưu…nhằm đảm bảo đội kiểm soát mặt đất có vận hành trạm cho đến khi có người tiếp tục lên ISS. Nhưng, chính NASA cũng không xác định chính xác được khoảng thời gian Trạm Vũ trụ quốc tế có thể hoạt động mà không có phi hành đoàn hiện diện. Mặc dù có thể vận hành trạm từ Trái đất nhưng sự có mặt của các phi hành đoàn là không thể thay thế. Các phi hành gia tiến hành sửa chữa bên trong và bên ngoài trạm, tiến hành các cuộc kiểm tra hệ thống thường xuyên. Hơn ai hết, họ hiểu rõ những gì đang diễn ra xung quanh, đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp, các phi hành gia có thể kịp thời xử lý các sự cố. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV