Ngoài các thương hiệu quen thuộc với các dòng máy tính bảng giá rẻ như Asus, Acer, Huawei, Archos, gần đây, thị trường có thêm nhiều tên tuổi rất lạ chỉ từ 1,79 đến 2,3 triệu đồng cho phiên bản màn hình 7 inch. Các siêu thị điện máy tại Hà Nội như Media Mart, Trần Anh, Thế Giới Di Động, Topcare… gần đây trưng bày nhiều máy tính bảng của các thương hiệu mới như Benss, Annol, Hinic, Popcom… Trong đó, rất nhiều model 7 inch chỉ có giá dưới 2 triệu đồng, như Benss B12 (1,99 triệu đồng, bộ nhớ 8 GB, màn hình 800 x 480 pixel, pin 2.600 mAh, chip Cortex A9 1 GHz), Annol Novo 7 Tornado (cấu hình tương tự Benss B12 nhưng pin 3.500 mAh), chip Cortex A10 (chip 1,5 GHz giá 1,95 triệu đồng); Popcom Upad 7C (1,79 triệu đồng)… Dù giá đã rẻ như vậy, nhưng các sản phẩm này vẫn kèm quà tặng khuyến mại với giá trị từ 200 đến 250 nghìn đồng. Các máy tính bảng loại này trọng lượng khá nhẹ, tốc độ truy cập Internet đạt mức khá. Trải nghiệm đọc báo, chơi các game đơn giản như Angry Birds, Fruit Ninja thấy ổn định, tuy nhiên, camera hơi kém. Dường như các nhà sản xuất mới chỉ trang bị camera chứ chưa đầu tư cho phần mềm xử lý đi kèm nên màu sắc không tươi, ánh sáng yếu. Về tổng thể, chất lượng so với tầm tiền là chấp nhận được, tính năng và cấu hình phù hợp với người dùng bình dân, văn phòng (vì chỉ trang bị Wi-Fi) dùng để thư giãn (lướt net, chơi các game nhẹ). Thông tin về các thương hiệu nói trên không nhiều, khi "Google" ra chỉ thấy các trang web bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung. Riêng hãng Hinic có một trang web sử dụng tên miền tiếng Việt nhưng chỉ có thông tin của một sản phẩm duy nhất là H9701C, các chính sách bảo hành đều không có. Máy tính bảng giá rẻ của Trung Quốc được quảng cáo trên website của các siêu thị điện máy. Một chuyên gia về thị trường cho biết hầu hết các thương hiệu lạ nói trên đều xuất xứ từ Trung Quốc. So với các máy tính bảng cùng cấu hình thuộc các thương hiệu được nhiều người biết đến như Asus, Acer, giá các sản phẩm này hơn đến 40%. Đơn cử, máy tính bảng B1 của Acer giá 3 triệu đồng (màn hình 7 inch, chip lõi kép 1,2 GHz, RAM 512MB, bộ nhớ trong 8 GB), nhưng sản phẩm cấu hình tương đương của một hãng không tên tuổi tới từ Trung Quốc giá chỉ dưới 2 triệu đồng. Cách đây 1, 2 năm, máy tính bảng giá rẻ của Trung Quốc chủ yếu được đưa vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch và được bán trên mạng hoặc qua các cửa hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, việc các siêu thị nhập thêm mặt hàng này được cho là giúp thị trường đa dạng nguồn hàng, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn. Theo đại diện của một siêu thị điện máy ngoài Hà Nội, trung bình mỗi ngày hệ thống của ông bán được 20 đến 25 chiếc máy tính bảng Trung Quốc giá rẻ. Hiện tại, máy tính bảng giá rẻ của các thương hiệu lạ từ Trung Quốc đều được các siêu thị áp dụng thời hạn bảo hành 12 tháng, chế độ "1 đổi 1" trong vòng 7 ngày nếu lỗi từ nhà sản xuất, pin và phụ kiện bảo hành 6 tháng kể từ ngày mua. Về cơ bản, vì là sản phẩm giá rẻ nên chất lượng bị hạn chế hoặc nhà sản xuất sẽ hy sinh một vài tính năng để có được mức giá thấp nên người mua nên tìm hiểu kỹ sản phẩm, cân nhắc giữa nhu cầu với những tính năng được trang bị, chọn nơi bán có uy tín, tốt nhất nên xem thực tế trước khi quyết định. Hải Mỹ Nguồn: VNExpress