Theo The Conversation, trong quá khứ, con người phải đối mặt với nhiều căn bệnh truyền nhiễm. Trong đó có bốn dịch bệnh nguy hiểm mà con người phải đấu tranh để phòng ngừa và điều trị. Bệnh lao Hơn một tỷ người đã chết trong 200 năm qua do lao. Bệnh lao đã trở thành bệnh truyền nhiễm gây ra nhiều cái chết nhất trong lịch sử thế giới. Đến khi thuốc kháng sinh ra đời, dịch bệnh mới được kiểm soát và chữa khỏi. Nếu không có thuốc, 70% người bị bệnh lao sẽ chết. Bệnh lao có mặt ở mọi quốc gia. Ngày nay, khoảng 1/3 dân số thế giới được cho là bị nhiễm lao ở dạng không biểu hiện bên ngoài. Trong đó, vi khuẩn lao trong cơ thể được kiểm soát bởi hệ miễn dịch. Chúng sẽ phát triển ở một số ít người gây sốt, sụt cân, mệt mỏi, ho ra máu. Bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu do hóa trị, HIV hoặc các bệnh khác thì có nguy cơ cao mắc bệnh lao. Năm 2015, toàn thế giới có 10,4 triệu ca lao mới phát hiện và 1,8 triệu người tử vong. Năm 2016 con số này giảm còn 9 triệu ca mắc mới và 1,5 triệu ca tử vong. Vắcxin phòng bệnh lao đã được bào chế trong khoảng một thế kỷ nay nhưng chỉ hiệu quả ở trẻ em và không thực sự tốt khi sử dụng với người trưởng thành. Hơn 1 tỷ người chết vì bệnh lao trong vòng 200 năm trở lại đây. Ảnh: BN Bệnh đậu mùa Bệnh đậu mùa do virus variola gây ra, dễ dàng lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc. Triệu chứng ban đầu đơn giản chỉ là những nốt mụn mủ trên da. Bệnh được đánh giá rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong 30%, những người sống sót sẽ bị biến chứng do nhiễm trùng như sẹo, mù lòa, viêm khớp... Cuối năm 1960, đậu mùa là dịch bệnh nguy hiểm ở châu Á và châu Phi, ước tính khoảng hai triệu ca tử vong hàng năm. Thế kỷ 18, với phương pháp chủng ngừa của bác sĩ Edward Jenner, Anh, con người mới tìm được cách phòng bệnh đậu mùa trên quy mô lớn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố xóa sổ dịch bệnh đậu mùa vào năm 1979. Dịch bệnh có thể biến mất nhưng virus variola vẫn còn được lưu giữ trong các phòng thí nghiệm trên thế giới. Nhiều nhà khoa học lo ngại virus này nếu được sử dụng như một vũ khí khủng bố sinh học sẽ là mối nguy hiểm lớn bởi hiện nay con người không còn được chủng ngừa thường xuyên chống lại bệnh đậu mùa. HIV/AIDS Năm 1980, một số người đồng tính nam ở Mỹ mắc bệnh nhiễm trùng mà trước đó chỉ thấy ở những người bị thiếu hụt miễn dịch nghiêm trọng. Những năm sau đó, virus làm suy giảm miễn dịch ở người có tên HIV được phát hiện, trở thành mối nguy hiểm của toàn cầu. HIV có nguồn gốc từ động vật linh trưởng ở châu Phi lây nhiễm sang người và lan rộng ra toàn cầu. Người nhiễm virus nếu không điều trị sẽ tiến triển thành AIDS - hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Bệnh tàn phá hệ thống miễn dịch của con người, gây ra nhiều căn bệnh nhiễm trùng và ung thư. Nếu không được điều trị, hầu như tất cả người nhiễm HIV đều bị AIDS và tử vong. Trên thế giới có khoảng 40 triệu người đã chết vì AIDS và 36 triệu người đang sống chung với HIV. Bệnh không có vắcxin phòng ngừa và cũng không có một liệu pháp nào loại bỏ hoàn toàn virus HIV ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh AIDS có thể tăng khả năng miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng bằng liệu pháp điều trị kháng virus còn gọi là ART (Anti-Retroviral Therapy). Các nhà khoa học vẫn đang tích cực tìm phương pháp chữa trị hoặc ngăn chặn hoàn toàn HIV/AIDS. Họ hy vọng dịch bệnh sẽ chấm dứt vào năm 2030. Nhiều chiến dịch truyền thông phòng chống HIV/AIDS được diễn ra trên toàn thế giới. Ảnh: HT Cúm Trong thế kỷ qua, bệnh cúm gây ra nhiều cái chết hơn HIV/AIDS. Hàng năm thế giới có khoảng 4 triệu người bị cúm, trong đó 250.000 ca tử vong. Bệnh nhân lớn tuổi, tiền sử bị suy tim, bệnh phổi và phụ nữ mang thai có nguy cơ tử vong cao nhất. Con người có thể bị lây nhiễm virus cúm từ gia cầm hoặc gia súc. Đa số trường hợp tạo ra đại dịch nguy hiểm nếu chúng bắt đầu lây nhiễm từ người sang người. Trong đó, đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 khiến hơn 40 triệu người tử vong, gấp hơn hai lần số người thiệt mạng trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Hiện tại vắcxin cúm chỉ có hiệu quả ngăn ngừa khoảng 50% nguy cơ bệnh, nhưng là phương pháp duy nhất phòng bệnh. Cẩm Anh Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress