Cùng với sự phát triển kinh tế và đô thị hóa, nhiều hệ lụy về môi trường làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Quan tâm đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường không chỉ có các nhà khoa học, các chuyên gia, mà còn có nhiều bạn trẻ. Bằng kiến thức tiếp thu được trong trường học và tự tìm hiểu thêm, nhiều bạn trẻ đã có những việc làm thiết thực để góp phần bảo vệ môi trường, điển hình là những sáng kiến xây dựng các công trình xanh, tạo ra các vật liệu thân thiện môi trường, trong đó nhiều dự án đã đoạt được những giải thưởng cao tại các cuộc thi về ý tưởng sáng tạo trẻ. Hy vọng rằng với sự chung tay góp sức từ nhiều người, nhất là của các bạn trẻ, tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ được cải thiện hơn để bộ mặt thành phố ngày càng xanh - sạch - đẹp. Nhóm BUCA (Nguyễn Văn Thành đứng thứ ba từ phải sang). Phủ xanh công trình bằng rác thải Đến từ phố núi Pleiku thoáng đãng của Tây Nguyên, Nguyễn Văn Thành - chàng sinh viên khoa Kỹ thuật đô thị của Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh cảm thấy ngột ngạt khi môi trường sống ở thành phố này rất thiếu mảng xanh, từ không gian học đường cho đến nơi công cộng. Trăn trở về vấn đề này, đến năm học thứ ba, khi học môn Tái chế rác thải, anh rất hứng thú với việc tìm ra giải pháp phủ xanh đô thị bằng cách sử dụng rác thải và bắt tay vào nghiên cứu với sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Từ ý tưởng, Văn Thành lên kế hoạch thực hiện đề án theo hướng có tính thực tiễn cao. Để có đủ nhân sự thực hiện dự án "Tái sử dụng rác thải trong học đường để phủ xanh công trình", anh đã vận động một số bạn học cùng trường thành lập nhóm BUCA gồm Văn Thành (trưởng nhóm), Đăng Khoa, Vũ Phùng, Yến Dương, Minh Đức, Quế Trâm, Nhật Anh, Anh Khoa và Đoàn Văn Hưng. Công việc của nhóm là thu thập rác thải trong trường học và phân loại, dùng rác tái chế là nhựa các loại để ép thành từng miếng panel có kích thước khoảng 1m2 và ráp lại, đặt trên tường để vừa chống thấm vừa có thể trồng cây xanh. Họ còn tận dụng rác thải để làm các mẫu chậu, thùng rác tiện dụng cho việc phân loại rác. "Công việc tốn thời gian và khó khăn nhất là việc phân loại rác tại nguồn và làm việc với các công ty sản xuất nhựa để thuyết phục họ hợp tác công đoạn ép rác. May mắn là nhóm đã được sự giúp đỡ từ nhiều người nên đến nay, mọi việc tiến hành khá suôn sẻ" - Văn Thành vui mừng chia sẻ. Ước tính, mảng tường xanh hoàn chỉnh có giá khá rẻ, từ 300-400 ngàn/m2 và được bảo hành từ ba đến năm năm. Dự án này đã giành được nhiều giải thưởng của các cuộc thi ý tưởng "Sáng tạo trẻ", "Tiết kiệm năng lượng" và mới nhất là giải thưởng của Hội đồng Anh cho những sáng tạo vì môi trường, trị giá 100 triệu đồng. Văn Thành cho biết nhóm đang dùng khoản tiền thưởng này để triển khai thí điểm dự án phủ xanh chính ngôi trường mà các bạn đang theo học, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 9/2012. Sau các trường học, nhóm sẽ tiếp tục đưa tường xanh đến những công trình công cộng như trạm chờ xe bus, bệnh viện, quán cà phê, kế đó là nhà dân. "Tham dự các cuộc thi chỉ là cách để chúng tôi có điều kiện học hỏi, hoàn thiện cho dự án và may mắn có được giải thưởng càng tạo thêm cho chúng tôi động lực để tiếp tục kế hoạch của mình. Tôi tin rằng dự án này sẽ góp phần tích cực giải quyết được tình trạng thiếu không gian xanh cho thành phố, tăng vẻ mỹ quan mà chi phí thấp, rất kinh tế nên rất mong nhận được sự quan tâm, hợp tác của nhiều người" - Văn Thành nói. Các nhà khoa học đã tính toán và kết luận rằng nếu phủ xanh được 20% diện tích đô thị thì sẽ giảm được nhiệt độ từ 1 - 2oC và lượng CO2 trong không khí cũng giảm đáng kể, rồi giảm sử dụng máy điều hòa sẽ tiết kiệm được điện năng. Dự án của nhóm BUCA có ưu điểm là tiết kiệm diện tích đất đô thị vì tận dụng những mảng tường của công trình. Nhìn xa hơn, nếu có nhiều con đường được phủ xanh theo phương pháp của nhóm BUCA thì sẽ hình thành được nhiều con phố đi bộ xanh mát. Gạch từ rác thải Với ý tưởng "Tái chế rác thải sinh hoạt đã qua xử lý để sản xuất vật liệu xây dựng", nhóm sáu bạn trẻ đều là sinh viên thuộc các trường đại học, gồm Trúc My, Anh Khoa, Kim Ngân, Quỳnh Như, Mai Thy và Duy Ca đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi "Thắp sáng 2011" do Quỹ đầu tư công nghệ của Đại học Stanford (Mỹ) tổ chức. Nhóm sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp trẻ quốc tế tại Mỹ và Singapore vào năm 2012. Mô hình phủ xanh công trình của nhóm BUCA. Cách chế tạo gạch từ rác thải của họ khá đơn giản: đầu tiên là phân loại rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình sau khi đã thu gom được như bìa carton, nhựa, nhôm..., sau đó đưa nguyên liệu là rác vô cơ có kích cỡ nhỏ (từ 3mm đến 3cm) vào máy ép trộn cùng xi măng, cát, đá dăm và chất kết dính mà không trải qua công đoạn nung. Gạch này có nhiều ưu điểm, là sản phẩm sinh thái hoàn toàn thân thiện với môi trường, có trọng lượng nhẹ, độ chịu lực cao, giá thành rẻ hơn những loại gạch thông thường. Điều làm các thành viên của nhóm tâm đắc là khi dự án này trở thành hiện thực sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng như giảm rác thải và chi phí xử lý rác (không phải chôn lấp nên giảm được ô nhiễm môi trường và bệnh tật từ rác), giảm ô nhiễm không khí (lượng CO2 thải ra trong quá trình đốt rác hoặc quá trình làm gạch nung), giảm ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm đất tại các khu xử lý rác và bãi chôn lấp rác. Ngoài ra, công trình này nếu được triển khai trên diện rộng còn giải quyết được nỗi lo mất đất canh tác của người dân ngoại thành do bãi chôn lấp rác có nguy cơ ngày một rộng lớn. Theo kết quả thử nghiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi ngâm gạch làm từ rác thải trong nước thì không có hiện tượng ra màu, ra mùi, nước ngâm không có vị lạ, không có các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá dự án này có tính khả thi cao, không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường mà còn có tính kinh tế cao. Các nhà khoa học hy vọng rằng những viên gạch được sản xuất từ vật liệu tái chế sẽ được dùng để xây dựng các công trình công cộng để mọi người đều thấy được lợi ích của việc thu gom và tái chế rác thải. Hút dầu loang bằng thảm vỏ tràm Tràm là loại cây phổ biến ở miền Tây Nam bộ, riêng tại những vùng đất ngập nước tràm còn được trồng thành rừng. Lâu nay, người dân quen dùng thân tràm làm cọc móng, cột nhà, lá tràm được chưng cất để lấy tinh dầu, còn vỏ tràm bị xem là phế phẩm. Vì thế, ý đồ nghiên cứu dùng vỏ tràm để làm sạch môi trường được rất nhiều người quan tâm. Với sáng kiến dùng vỏ tràm hút dầu loang, cây tràm ở miền Tây Nam bộ sẽ được tận dụng nhiều hơn. Đó là sáng kiến của thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên Trường THPT An Lạc Thôn, tỉnh Sóc Trăng cùng ba học trò là Nguyễn Trí Hải, Lý Công Hiển và Nguyễn Thanh Liêm. Với đề tài "Thu giữ dầu loang bằng vỏ tràm", nhóm thầy trò này đã nghiên cứu, thử nghiệm dùng vỏ tràm làm vành đai để hút xăng dầu rò rỉ từ các cây xăng, tiệm sửa xe máy... Vượt qua 800 bài dự thi của các trường học trong cả nước, đề tài trên đã được chọn làm đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi về môi trường cấp quốc tế tại Thụy Điển. Trước đó, nhóm đã đoạt giải nhất cuộc thi cấp quốc gia về đề tài "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước" do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường phối hợp cùng Tổng cục Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Thầy Ngọc Hải cho biết sau nhiều lần thử nghiệm, có thể thấy so với các chất có khả năng thấm hút khác như bông gòn, xơ dừa, xác bèo tây khô..., thì vỏ tràm có khả năng hút dầu mạnh nhất. Thầy Ngọc Hải làm thử nghiệm, dùng nước sau khi được xử lý để tưới cây mồng tơi - loại cây trồng rất nhạy cảm với nước nhiễm xăng dầu thì kết quả cây mồng tơi vẫn phát triển xanh tốt, chứng tỏ nước nhiễm xăng dầu đã được vỏ tràm khử mạnh. Từ kết quả khả quan ấy, nhóm nghiên cứu do thầy Ngọc Hải lãnh đạo mở rộng phạm vi ứng dụng, dùng vỏ tràm làm vành đai ven các điểm bán xăng dầu, tiệm sửa máy nổ ven sông... để hút xăng, dầu loang lổ trên đường và trên mặt nước. Đây là một sáng kiến độc đáo, không tốn kém mà mang lại lợi ích thiết thực trong việc góp phần bảo vệ môi trường nên cần được giới thiệu rộng rãi để nhiều nơi cùng ứng dụng. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV