Sau cả buổi sáng ngày 11/11 ngồi trước máy tính, anh Lê Tùng (Quận 7, TP HCM) tỏ ra phấn khích khi đặt được hàng chục món đồ với giá hời trên trang Aliexpress. "Ngoài sạc không dây Belkin giá hơn 100.000 đồng, 5 cáp iPhone xịn giá chưa tới 200.000 đồng, tôi còn mua được một ổ SSD dung lượng 1 TB của Samsung với giá chỉ hơn 3 triệu đồng. Tất cả đều rẻ tới hơn một nửa thậm chí chỉ bằng một phần ba giá gốc", anh Tùng nói. Là người "nghiện" đồ nhà thông minh, anh Đoàn Linh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết đã tìm hiểu các mẫu robot hút bụi thông minh cách đây nửa tháng và quyết định chờ tới ngày 11/11 mới sắm để có giá tốt nhất. "Mẫu robot hút bụi thế hệ hai của Xiaomi ở Việt Nam bán khoảng hơn 10 triệu đồng nhưng tôi mua chỉ hơn 7 triệu đồng, đã bao gồm cả phí vận chuyển", anh Linh hào hứng chia sẻ và cho biết nhiều phụ kiện nhỏ khác anh đều mua được với giá chỉ bằng khoảng 60% giá gốc. Hàng công nghệ được giảm giá nhiều trên Taobao, Tmall. Lễ độc thân (Singles Day) với nhiều chương trình giảm giá diễn ra vào ngày 11/11 gần đây được rất nhiều tín đồ mua sắm tại Việt Nam quan tâm và săn đón ở cả các trang thương mại điện tử trong nước lẫn Trung Quốc. Tuy không phải là một ngày lễ chính thức nhưng với các chiến dịch quảng bá lớn trong nhiều năm, Alibaba đã biến nó thành ngày mua sắm giảm giá trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc. Tại Việt Nam, các trang thương mại điện tử cũng rầm rộ các chương trình khuyến mãi được quảng cáo là "siêu giảm giá" nhân ngày 11/11 như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo.... Tuy nhiên, theo lý giải của anh Tùng, để mua được các deal giảm giá sốc tại Việt Nam là không dễ, thường chỉ vài giây sau vào đã thông báo hết. Anh lấy ví dụ một mẫu tủ lạnh được quảng cáo giảm giá từ 31 triệu đồng xuống còn 11 triệu đồng lúc 14h nhưng đúng thời gian này anh truy cập vào đã hết hàng. Nhân viên chuẩn bị hộp để đóng hàng cho khách nhân ngày lễ mua sắm 11/11 tại Trung Quốc. Ảnh: Penangfoodie. Đồng quan điểm với anh Tùng, anh Linh nhận xét tại Việt Nam cũng được quảng cáo có nhiều sản phẩm giảm giá "sốc" nhưng rất khó mua được. Một số sản phẩm khác có thể mua được thì mức giảm không đáng kể, thậm chí có nhiều mặt hàng giá sau giảm bằng đúng giá bán tại một số cửa hàng ngày thường. "Hai năm nay tôi chuyển sang tìm hiểu nhiều hơn trên các trang của Trung Quốc bởi có nhiều khuyến mại giảm giá hấp dẫn hơn và không khó để săn lùng". Tuy nhiên, lý do quan trọng khiến các tín đồ mua sắm tại Việt Nam chuộng mua hàng công nghệ giảm giá tại Trung Quốc là bởi việc vận chuyển hiện nay đã dễ dàng hơn. Những người mua hàng trên Aliexpress như anh Tùng có thể thanh toán bằng thẻ visa và được miễn phí vận chuyển. Nhược điểm là thời gian vận chuyển lâu, có thể lên tới một đến gần hai tháng. Trong khi đó, các trang bán hàng nội địa như Taobao, Tmall, 1688... hiện nay đều có các đơn vị hỗ trợ vận chuyển với chi phí khoảng 30.000 đồng mỗi kg và mất thời gian từ 3 đến 5 ngày. Theo chị Thu Trang, quản lý một đơn vị chuyên hỗ trợ mua hàng tại Trung Quốc, vào mỗi đợt giảm giá 11/11, công ty huy động toàn bộ nhân viên làm việc tăng ca để hỗ trợ khách. "Mỗi nhân viên riêng trong ngày 11/11 phải hỗ trợ gần 20 khách, bao gồm cả khách mua lẻ lẫn mua buôn. Mỗi người có thể mua tới hàng chục mẫu sản phẩm khác nhau. Cao điểm nhất là chúng tôi phải làm việc từ 22h ngày 10/11 tới gần sáng hôm sau". Ngoài các mặt hàng thường thấy như đồ chơi trẻ em, quần áo, đồ nội thất, chị Trang cũng cho biết hai năm gần đây lượng người dùng đặt hàng đồ công nghệ tăng rất cao. Lý giải cho hiện tượng này, Mai Ly, nhân viên đặt hàng cho biết mặt hàng công nghệ thường có giá giảm mạnh nhất trong khi người yêu thích loại hàng này thường am hiểu tường tận và có tính thích tìm hiểu, mày mò. Ngày lễ độc thân có doanh số bán ra thường vượt Black Friday và Cyber Monday gộp lại. Ảnh: Weibo. Giảm giá nhiều và đa dạng mặt hàng nhưng việc mua hàng trực tuyến tại Trung Quốc cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro. "Nếu không phải là các cửa hàng chính hãng hoặc mua đồ có thương hiệu, việc mua trên Taobao gặp phải hàng kém chất lượng là rất phổ biến", anh Hoàng Sơn (Hoàn Kiếm, Hà Nội), người từng nhiều năm săn deal giảm giá trên Taobao cho hay. Chính anh cũng từng là nạn nhân khi mua thử máy sấy quần áo thông minh, hút bụi xe ôtô giá vài trăm nghìn nhưng gần như không có tác dụng. Ngoài ra, việc mua hàng trên các trang Trung Quốc cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo hành. "Các shop bên Trung Quốc phần lớn đều chỉ nói tiếng bản địa nên rất khó để hỏi đáp các vấn đề kỹ thuật. Trong trường hợp bảo hành phải nhờ bên vận chuyển, chuyển ngược lại rất phức tạp, tốn kém và mất thời gian", anh Minh Hòa (Quận Hải Châu, Đà Nẵng) nói và cho biết bản thân chỉ còn mua các đồ giá rẻ tại Trung Quốc và chuẩn bị sẵn tâm lý sẵn sàng bỏ đi nếu hỏng hóc. Tập đoàn Alibaba khởi động Lễ độc thân (Singles Day) năm nay đầy ấn tượng khi tổng giá trị hàng hóa mua bán trên các nền tảng của hãng thương mại điện tử này vượt 1 tỷ USD chỉ trong 1 phút 25 giây đầu tiên. Hết ngày hôm qua, công ty của Jack Ma thông báo, ghi nhận doanh số bán hàng kỷ lục 30,8 tỷ USD cả ngày Lễ độc thân, tăng khoảng 6 tỷ USD so với năm trước. Doanh số của đợt lễ này thường lớn hơn cả Black Friday và Cyber Monday gộp lại. Năm nay, Lễ độc thân đến trong bối cảnh sự tăng trưởng của Alibaba đang bị đặt dưới nhiều áp lực vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, sự nổi lên từ các đối thủ mới trong ngành thương mại điện tử và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ