Phó giáo sư Lê Thành Đồng, Viện trưởng Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM, ngày 6/11 cho biết phát hiện ổ bệnh sán dây lợn (lợn gạo) từ những con lợn nuôi ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, Tỉnh Bình Phước. Từ ngày 2 đến 10/4, các đơn vị y tế phối hợp xét nghiệm máu chẩn đoán huyết thanh bệnh ấu trùng sán dây lợn ở người tại các xã Phú Nghĩa, Đăk Ơ, Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập. Kết quả 108 trên 904 mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn, chiếm tỷ lệ 11,95 %. Xét nghiệm những con lợn nghi ngờ bị nhiễm cho thấy ấu trùng sán với mật độ rất cao, 50-70 nang ấu trùng trong một kg thịt. Các bộ phận của lợn như cơ, não, lưỡi đều nhiễm nang ấu trùng. Theo phó giáo sư Đồng, đây là tình trạng nhiễm bệnh rất cao, khả năng lây lan lớn do tập quán chăn nuôi lợn thả rông. Việc ăn uống, sinh hoạt của nhân dân khu vực liên quan nhiều đến nhiễm bệnh từ thịt lợn chưa nấu chín. "Viện đã thông báo cho y tế địa phương về tình trạng trên để phối hợp tổ chức phòng chống dịch bệnh nhưng đến nay việc điều trị cho những người nhiễm bệnh chỉ được thực hiện trên một số rất ít", ông Đồng chia sẻ. Điều này có thể do địa phương thiếu thuốc điều trị, các biện pháp tuyên truyền vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường chưa được giải quyết triệt để. Khả năng nhiều trường hợp mắc bệnh ở các xã khác của huyện Bù Gia Mập chưa được phát hiện. Mẫu sán dây thu hồi tại Phòng khám bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM. Bệnh sán dây, ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải lợn phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, liên quan đến ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền. Nếu người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, trứng vào dạ dày nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt... và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2 cm, di động dễ, không ngứa, không đau. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt hoặc có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù. Nếu ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành, ký sinh nhiều năm. Bệnh thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt, chủ yếu gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Triệu chứng chủ yếu là có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài. Đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân. Cần chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn, thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi. Thuốc điều trị bệnh và ấu trùng bệnh sán dây lợn là praziquantel, niclosamide và albendazole. Phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn bằng cách không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái, rau sống. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Lò mổ cần đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, không nuôi lợn thả rông. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress