Đầu tháng 9/2018, dự án sàn đấu trí tuệ tương tác Jingo giành giải nhì cuộc thi đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Swiss Innovation Challenge Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ. Không lâu sau đó, startup tiếp tục vào top 25 cuộc thi Startup Việt 2018 do báo VnExpress tổ chức. Đối với đội ngũ do Trần Bá Duy Linh - nhà sáng lập sinh năm 1990 dẫn dắt, đây là những sự công nhận đầy khích lệ dành cho nỗ lực của startup trong suốt một năm qua. Niềm đam mê với truyền thông của CEO 9x Từ Vĩnh Long lên Sài Gòn ăn học vào năm 2008, Trần Bá Duy Linh quyết theo đuổi chuyên ngành Tiếp thị, Đại học Kinh tế TP HCM. Xem nhiều chương trình truyền hình từ nhỏ, Duy Linh ấp ủ giấc mơ tạo dựng sự nghiệp lớn trong lĩnh vực này, hay rộng hơn là ngành truyền thông sau khi tích lũy thêm nhiều kiến thức trên giảng đường. Không dừng lại ở đó, nhằm tạo nền tảng vững chắc hơn cho sự nghiệp tương lai, anh tiếp tục đăng ký và giành suất học bổng 50% chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Quảng cáo thương hiệu tại Đại học Nottingham Trent, Anh quốc. Anh Trần Bá Duy Linh trình bày về dự án ứng dụng Jingo. Những tưởng với vốn kiến thức dày dặn và nhiều năm kinh nghiệm tại các công ty lớn nhỏ, anh sẽ tìm lấy một vị trí cao trong doanh nghiệp lớn để thể hiện năng lực và nắm bắt cơ hội thăng tiến cho mình. Nhưng với niềm đam mê với các ý tưởng mới và góc nhìn nhạy bén với thời cuộc, Duy Linh đã mạnh dạn lập startup để khai thác mảnh đất truyền thông trên thiết bị di động vốn đang rất màu mỡ tại Việt Nam. Cuối năm 2017, anh nảy ra ý tưởng triển khai một ứng dụng di động có tên là Jingo theo mô hình sàn đấu trí tuệ, lấy cảm hứng từ bài hát Jingle Bell vui tai và tiếng "Bingo!" hay được hô vang khi có người chiến thắng trong trò chơi lô tô truyền thống của các nước phương Tây. Ý tưởng này dựa trên ứng dụng trò chơi HQ Trivia - gameshow đang được ưa chuộng tại các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Australia... Cách thức chơi rất đơn giản, gameshow sẽ có một quản trò đặt câu hỏi trực tuyến, hàng trăm hoặc hàng nghìn người sẽ tham gia chơi cùng lúc, trả lời trực tiếp bộ câu hỏi cho đến khi tìm ra người trụ lại ở câu hỏi khó nhất và cũng là câu cuối cùng. Thay vì sản xuất gameshow tương tác với toàn những câu thường thức phổ thông, đố vui, đố mẹo... tại sao không nâng cấp nội dung thành một bảng khảo sát, nghiên cứu thị trường phục vụ cho cả doanh nghiệp và người dùng? Với suy nghĩ táo bạo này, Duy Linh quyết định lập đội ngũ dồn toàn lực viết một ứng dụng trò chơi kiêm vai trò khảo sát thị trường đầu tiên tại Việt Nam Sàn đấu trí tuệ đáp ứng nhu cầu giải trí trên di động Sau khi hạ quyết tâm thực hiện sàn đấu trí tuệ trực tuyến, Duy Linh dốc hết vốn huy động nguồn nhân lực, chủ yếu là các lập trình viên để phát triển ý tưởng, viết ứng dụng và đặt hàng các đối tác truyền thông xây dựng kho nội dung cho Jingo. Startup chưa đến 20 người dành 6 tháng để hoàn thiện sản phẩm và chính thức đưa Jingo "lên sàn" iOS và Android vào tháng 5/2018. Đến nay ứng dụng Jingo đã có 2.000 lượt tải về, lượng người dùng thường xuyên tương tác hàng ngày chiếm 30%. Trong mỗi buổi phát sóng có từ 300 đến 500 người chơi cùng lúc. Vào 20h30 mỗi thứ hai, tư và sáu hàng tuần, ứng dụng sẽ phát sóng gameshow chính trong vòng 15 phút với nội dung gồm 12 câu hỏi thường thức đời sống, từ địa lý, lịch sử, văn hóa, giải trí, công nghệ... Người chơi sẽ lần lượt trả lời theo hình thức trắc nghiệm để loại bỏ dần người trả lời sai. Tất cả những ai chinh phục được câu hỏi cuối cùng của buổi phát sóng đều sẽ nhận phần thưởng từ chương trình. Nhà sản xuất sẽ trả thưởng cho người chơi thông qua chuyển khoản. Hiện startup làm việc với các đối tác ví điện tử nhằm tăng tính thuận tiện, bảo mật và minh bạch cho người dùng. Giao diện sàn đấu trí tuệ Jingo. Nhà sáng lập 9x cho biết với bộ câu hỏi gần gũi với cuộc sống của tất cả chúng ta, các gia đình có thể dành 15 phút thư giãn để cùng nhau giải đáp các câu hỏi, tăng tính gắn kết giữa các thành viên. "15 phút cuối ngày không nhiều nhưng có thể giúp các bạn giải tỏa căng thẳng, quên đi áp lực trong công việc và trong cuộc sống, để tập trung vào một trò chơi vừa giúp bổ sung kiến thức, vừa vui mà vừa có thưởng", anh Duy Linh nói. Ngoài gameshow chính phát sóng vào khung giờ cố định, ứng dụng còn có tính năng luyện tập, chơi thử. Trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng kho nội dung với nhiều hình thức chơi khác nhau, mô phỏng theo các gameshow nổi tiếng như Chung sức, Đuổi hình bắt chữ, Ai là triệu phú... Nền tảng khảo sát thị trường đầy tiềm năng Với sự tinh nhạy về truyền thông của nhà sáng lập, Jingo không đơn thuần là một gameshow trên thiết bị di động. Ẩn sau những buổi phát sóng vui nhộn và hào hứng là giá trị quảng bá thương hiệu mà Jingo mang lại cho các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu thị trường. Anh Duy Linh cho biết, trong quá trình tăng tính tương tác với cộng đồng, các doanh nghiệp thường gặp khó trong việc tìm kiếm kênh quảng bá phù hợp, tinh tế và tránh làm phiền người tiêu dùng. Chưa kể để đánh giá mức độ nhận diện thương hiệu, thông thường cần khảo sát rộng với quy mô mẫu lớn. Jingo có thể giải quyết những băn khoăn trên từ phía doanh nghiệp, bằng cách lồng ghép những câu hỏi mang tính khảo sát thị trường vào chương trình, dựa vào đó để thu thập thông tin về mức độ nhận diện thương hiệu. "Chẳng hạn một doanh nghiệp muốn biết đại sứ thương hiệu của họ có được đông đảo người tiêu dùng biết đến hay không, chúng tôi có thể lồng ghép câu hỏi 'đại sứ thương hiệu của doanh nghiệp A là ai?' một cách khéo léo. Đây có thể là câu hỏi phụ hoặc câu hỏi có điểm thưởng", CEO Jingo phân tích. Bằng việc bắt tay với doanh nghiệp thực hiện các câu hỏi khảo sát, Jingo có thể nhận thêm nguồn lực để tái đầu tư cho kho nội dung và tăng giá trị phần thưởng cho người chơi. Hướng đi sắp tới, startup sẽ bổ sung các phần thưởng từ nhà tài trợ như phiếu mua hàng, mã ưu đãi, giảm giá... nhằm tạo ra thế ba bên đều có lợi. Buổi phát sóng gameshow đầu tiên trên Jingo. Mục tiêu doanh thu triệu USD Hiện startup chú trọng làm đầy kho nội dung, tăng cường tìm kiếm đối tác và củng cố hạ tầng công nghệ. Đại diện startup chia sẻ, thách thức lớn nhất là duy trì đường truyền liên tục. Jingo đã từng mất ba tháng thử và sai để tìm ra cách tối ưu thóa thuật toán, nhằm đáp ứng số lượng người chơi ngày càng tăng. Với dịch vụ server từ Google, ứng dụng hiện chịu tải tối đa 100.000 người tham gia cùng lúc. Mục tiêu của doanh nghiệp là đẩy con số này lên hàng triệu người truy cập. Quan trọng nhất với startup hiện tại là xây dựng nội dung với nhiều câu hỏi chất lượng cao hơn, mang đậm tính bổ trợ kiến thức nhưng vẫn giữ được không khí sôi nổi, hào hứng của Jingo. "Về ngắn hạn, chúng tôi sẽ thu hút người chơi bằng giải thưởng. Nhưng lâu dài, nội dung hay và cuốn hút mới là mỏ neo tạo lượng người chơi trung thành và gia tăng lượt truy cập", anh Duy Linh khẳng định. Theo lộ trình, năm nay Jingo tập trung phát triển lượng người dùng, năm sau triển khai mô hình khảo sát thị trường, kết nối với các nhà tài trợ. Khách hàng doanh nghiệp mục tiêu của startup là các đơn vị quảng cáo, làm thương hiệu, nhà nghiên cứu thị trường... CEO 9x chia sẻ con số lý tưởng mà startup nhắm đến hiện tại là thu về hai triệu USD doanh thu, chiếm 10% thị phần ngành quảng cáo dành cho gameshow truyền hình, 5% doanh thu của ngành nghiên cứu thị trường. Theo ước tính của nhà sáng lập Jingo, trung bình một năm giới doanh nghiệp chi cho các công ty nghiên cứu thị trường 75 triệu USD thì Jingo mong muốn sẽ thu được một triệu USD từ công việc tương tự. Startup có chưa đến 20 người chủ yếu là các bạn trẻ, năng động và nhiệt huyết với ngành truyền thông đang cùng Duy Linh thực hiện giấc mơ tạo dựng một nền tảng nội dung số vừa đáp ứng nhu cầu giải trí của người dùng, vừa phục vụ nhu cầu nghiên cứu thị trường của doanh nghiệp. "Truyền thông có tác động rất lớn với cộng đồng. Những người làm nội dung số như chúng tôi có thể trực tiếp tạo ra những thông điệp tích cực và truyền tải đến đông đảo người dùng. Chúng tôi tin rằng khi không ngừng truyền bá những suy nghĩ tốt thì cộng đồng sẽ ngày càng đẹp hơn", Duy Linh tâm sự. * Giới thiệu ứng dụng trò chơi tương tác Jingo Khánh Anh Sàn đấu trí tuệ trực tuyến Jingo là một trong 25 startup nổi bật của chương trình bình chọn Startup Việt 2018 do VnExpress tổ chức. Top 25 startup được phân bổ vào 5 đội. Mỗi đội có 2-3 chuyên gia đến từ các tổ chức đầu tư, đào tạo và huấn luyện startup phụ trách bồi dưỡng năng lực và phát triển dự án của các nhóm đăng ký thi. Dự kiến vòng đào tạo sẽ diễn ra trong vòng một tháng. Độc giả tham gia bình chọn cho top 25 từ nay đến ngày 5/11 tại đây. Kết quả của độc giả được tính một phần vào kết quả chung cuộc. Ban tổ chức sẽ lựa chọn ngẫu nhiên trong danh sách tham gia bình chọn. Giải thưởng là một TV và một smartphone cho duy nhất một độc giả. Bạn đọc may mắn sẽ nhận giải tại lễ vinh danh Startup Việt 2018 diễn ra vào 15/11. Chương trình bình chọn Startup Việt 2018 nhằm kết nối, ươm mầm, tìm kiếm các startup nổi bật trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam; góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, vinh danh những mô hình kinh doanh đột phá, phát triển bền vững và hữu ích về kinh tế - xã hội... Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress