Tại khuôn khổ chung kết cuộc thi IoT Startup do Vườn ươm Khu Công nghệ Cao TP HCM tổ chức vào giữa tháng 10/2018, dự án Nextfarm của Cường giành giải ba. Dù kỳ vọng ở vị trí cao hơn nhưng anh thừa nhận cố gắng đi thi để tạo thêm nhiều mối quan hệ cũng như quảng bá cho dự án. Chàng trai Hà Nội muốn tranh thủ để lấp đầy giá trị đẩy công ty đi xa hơn sau năm đầu mà một nửa thời gian đã bị lãng phí vì tìm sai nhân sự. Hai lần “đập đi xây lại” để đời Đầu năm 2017, nhận thấy nông nghiệp Việt Nam đã tự động hóa được một phần và có nhiều tiềm năng, Cường ấp ủ giấc mơ xây đắp hệ sinh thái đầy đặn và phát triển mạnh như ở Nhật hay Israel. Ngay sau Tết, anh đi tuyển người bằng cách đăng tải thông tin lên mạng và các trang tìm việc. Những nhân sự đầu tiên xuất hiện nhưng chỉ trong ba tháng, chàng trai sinh năm 1987 đánh giá đội ngũ có một số vấn đề và không giải quyết được việc. Cường thẳng tay cho tất cả nghỉ việc và tiếp tục đi tìm người thay thế. Từ tháng 7 đến tháng 11, lần thứ hai anh đứng trước bài toán hóc búa mang tên hiệu quả công việc. Những người mới không đáp ứng được kỳ vọng cũng như tầm nhìn của CEO về một dự án cần nhiều tâm huyết và chất xám. “Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất”, anh nhớ lại. Bài học ngốn hơn nửa năm cho Cường một hình dung thấu đáo hơn về trong cách nhìn nhận ai là người có thể giải quyết được việc của mình. “Quan trọng hơn là tôi bắt đầu tìm nhân sự thông qua sự giới thiệu từ những người mà tôi tin tưởng”, anh chia sẻ về sự thay đổi cách thức tuyển dụng mới sau những thất bại ngay từ thuở ban đầu. “Đập đi xây lại” đội ngũ lần hai còn cho Cường thấy rõ bức tranh kinh doanh thành công phụ thuộc hai yếu tố là thời điểm và con người. “Việc kinh doanh không thể thiếu tiền nhưng có được người phù hợp, giỏi, chất và giải quyết được việc còn quan trọng hơn là số tiền lớn”, anh phân tích. Xuất thân gốc từ ngành công nghệ thông tin nhảy vào làm nông nghiệp, Cường càng ý thức hơn về đội ngũ đồng hành. Anh cho rằng cần phải đi tìm người có điểm mạnh tỷ lệ thuận với điểm yếu của mình để cùng giải quyết bài toán chất lượng sản phẩm và thị trường. “Quyết định chọn người phải cân nhắc rất kỹ, một khi lựa chọn sai có thể phải mất 6 tháng đến một năm cũng là chuyện bình thường. Nhưng nếu cứ mãi như vậy thì nhiều khi chẳng bao giờ đi được đến đích”, anh nói. Đến giờ sau gần một năm kể từ cú vấp trong tuyển dụng ấy, Cường đã có trong tay đội ngũ mà anh cảm thấy hài lòng. Anh cũng cho biết Nextfarm trưởng thành hơn rất nhiều từ những yêu cầu khắt khe và sự hỗ trợ của Viettel khi trở thành đối tác triển khai Giải pháp Nông nghiệp thông minh cho tập đoàn này từ năm nay. Vượt qua khoảng thời gian khó khăn, những bài học từ quá khứ chính là lời giải đích xác nhất. Năm 2013, đang quản lý tốt công ty riêng thì Cường bỏ hết tất cả để sang Nhật khi nhìn thấy một cơ hội lớn. Tuy nhiên, mọi việc không như kỳ vọng và hai năm sau khi trở về thì công ty cũ cũng không còn được như xưa. Anh phải mất hai năm để giải quyết và xây dựng lại mọi thứ. Bài học về sự tập trung mãi văng vẳng trong đầu. Với Nextfarm bây giờ, Cường dành trọn bài học đắt giá của ngày xưa làm liều thuốc cho tinh thần. Anh nói rằng khi tập trung, nếu gặp khó khăn thì cố gắng giải quyết, nếu không được hôm nay thì đến ngày mai hay ngày kia cũng sẽ có phương án. “Cứ đi rồi sẽ đến, khó khăn thì dò đường, không có đường thì tự làm đường mà đi. Căn bản là tôi cũng đã thất bại nhiều nên thấy khó khăn như thế rất bình thường”, anh nói. Thời điểm của nông nghiệp thông minh Thời còn là sinh viên ngành Công nghệ thông tin Đại học Bách Khoa Hà Nội, Cường từng làm nhân viên kinh doanh bất động sản. Niềm đam mê và nhạy cảm với các con số đến với anh một cách tự nhiên như cuộc sống thường ngày trôi qua. Những trải nghiệm đã dẫn chàng trai 8x đến quyết định khởi nghiệp ngay khi vừa tốt nghiệp mà không đi làm cho bất cứ công ty nào. Đến nay, sau gần 9 năm đi theo con đường này, anh lại chạm một ngưỡng đam mê mới. Cường có thể ngồi cả ngày với đội kỹ thuật của mình để xem họ làm gì. Và giấc mơ cũng đã bén rễ theo cách vĩ mô hơn: xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, tự động và tiên tiến không thua kém các quốc gia phát triển khác. Hành trình ấy bắt đầu từ những bước đi hôm nay của Nextfarm khi Cường đánh giá bây giờ chính là thời điểm của nông nghiệp thông minh. Anh muốn giải quyết bài toán chất lượng đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp cũng như tăng năng suất lao động lên đến 50-60% thông qua hệ thống chăm phân, kiểm soát dinh dưỡng, môi trường và lõi là hệ thống về dữ liệu nông nghiệp. “Để có chất lượng đầu ra tốt, tăng năng suất, giá thành cũng như có thể xuất khẩu cần hệ thống tưới chính xác, kiểm soát môi trường nghiêm ngặt cũng như kết hợp với dinh dưỡng”, anh giải thích. Hệ thống Nextfarm đã hiện diện tại 20 nông tại ở miền Bắc. Ảnh: NVCC. Cường xác định làm nông nghiệp không giống các ngành khác là có thể ngồi bàn giấy mà người thực hiện phải trực tiếp đi thực tế đến các trang trại để cùng người nông dân giải quyết vấn đề. Vì thế, anh không quan tâm đối thủ cạnh tranh là ai mà chỉ tập trung làm tốt việc của mình. Việc địa phương hóa những ý tưởng không xa lạ ở nước ngoài với ngành nông nghiệp mang một đặc thù khác bởi mỗi khu vực mang địa chất và khí hậu khác nhau, nên ý tưởng mới hay cũ không quan trọng bằng giá trị nó thật sự mang lại cho những người làm nông. Anh đang xây dựng hệ thống lõi với hy vọng trong 5 năm tới có thể số hóa 50% dữ liệu nông nghiệp tại Việt Nam bằng cách sử dụng công nghệ học máy và phân tích dữ liệu. Cường ước tính các con số dự báo thì thấy rằng trong vài năm tới thị trường nông nghiệp Việt Nam có thể đạt giá trị vào khoảng 1 tỷ USD và đánh giá đây là mảnh đất đầy tiềm năng. “Cơ hội cho các bên gia nhập ngành này rất lớn và Nextfarm đang có cơ hội để có thể dẫn đầu thị trường”, anh nói. Sự tin tin và kỳ vọng lớn đến từ triết lý sản phẩm là yếu tố quyết định làm nên thành công cho dự án nông nghiệp dù có thể sẽ mất nhiều thời gian. “Thị trường tiềm năng nhưng đang phân mảnh. Nếu ai giải quyết được sẽ là người làm chủ cuộc chơi và tôi cho rằng AI và big data là hai yếu tố chủ đạo”, CEO 8x diễn giải. Trương Sanh Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress