Datamart là công ty công nghệ, tập trung đưa ra giải pháp cho các nhà bán hàng vừa và nhỏ trên sàn thương mại điện tử với mục tiêu tạo ra giá trị đồng đều hơn cho cộng đồng kinh doanh phân khúc thấp. Sản phẩm chủ lực của công ty là PowerSell - công cụ bán hàng đa kênh, có khả năng tự động hóa mọi thao tác quản lý, thống kê, phân tích doanh số... dựa trên nền tảng big data và AI. Tròn một năm thành lập, Datamart có doanh số tăng trưởng 30% mỗi tháng, hỗ trợ 4.000 nhà bán hàng bán 35.000 đơn hàng một ngày. Đứng đằng sau để vận hành bộ máy ấy là CEO Bùi Hải Nam. Tiềm năng từ thị trường gần 5 tỷ USD Thương mại điện tử ở Việt Nam giàu tiềm năng với thị trường ngày một hấp dẫn. Theo hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng ngành năm 2017 trên 25% và có thể duy trì trong cả giai đoạn 2018-2020. Temasek cũng thống kê, giá trị ngành đạt 4,8 tỷ USD năm 2015 và có thể tăng trên 8 tỷ USD vào năm 2025. Trên thị trường, hàng loạt ông lớn cũng đang trên đà tăng tốc. Tiki công bố có hơn 13 triệu lượt truy cập hàng tháng, tỷ lệ hủy hàng 3% - thuộc dạng thấp nhất thị trường; Shopee cũng phát ra thông báo tổng đơn hàng trong quý II lên đến 127,8 triệu đơn. Lazada kết nối mạng lưới hơn 155.000 nhà bán hàng, hơn 3.000 thương hiệu và 300 triệu sản phẩm. Từng trải qua nhiều vị trí như Phó Chủ tịch HSBC Singapore; Giám đốc Chiến lược và vận hành, Giám đốc Thương mại tại Lazada Việt Nam... Bùi Hải Nam nhận ra dữ liệu và công nghệ cao có sức mạnh rất lớn trong đa số ngành nghề. Điều này đặc biệt đúng với thương mại điện tử - nơi mọi thông tin đều có thể ảnh hưởng tới hành vi của người dùng. “Sức mạnh thực sự sẽ nằm trong tay người biết nắm bắt, kiểm soát và sử dụng dữ liệu một cách thông minh”, nghĩ là làm, Nam và 4 cộng sự đã cùng nhau thành lập Datamart với sản phẩm chủ lực là Powersell. Phần mềm quản lý và phát triển kinh doanh thông minh này được thiết kế dành riêng cho các nhà bán hàng vừa và nhỏ - đội ngũ gần như lép vế trong cuộc chạy đua tìm kiếm người mua, vận hành vì không đủ kiến thức, chi phí và cả hệ thống quản lý. Vậy Powersell làm được những gì? Xét về tổng quan thị trường, Bùi Hải Nam cho biết hệ sinh thái thương mại điện tử bao gồm 3 phần: các sàn thương mại điện tử, dịch vụ và cơ sở hạ tầng (kho bãi, giao vận, thanh toán). Tầng đầu tiên và cuối cùng ở Việt Nam đã có, tuy nhiên tầng giữa lại rất hiếm hoi. Vậy nên để góp phần làm phong phú và tạo lập nền tảng vững chắc cho hệ sinh thái này, Datamart chọn trở thành mô hình cung cấp dịch vụ cho các nhà bán hàng vừa và nhỏ. Ở góc độ nhà bán hàng, công cụ của Datamart mang đến giải pháp gần như thiết yếu nhất và thực hiện mọi thao tác tự động để dù xuất phát điểm là con số 0, bạn vẫn có thể vận hành gian hàng của mình mượt mà. Nhằm giải quyết mục tiêu tăng sức cạnh tranh cho nhà bán hàng nhỏ lẻ, để cuộc chơi trên thương mại điện tử không chỉ là của các "ông lớn", Powersell còn đóng vai trò một kênh giáo dục gián tiếp để người dùng có kiến thức về quy luật của thị trường thương mại điện tử. 3 tầng của hệ sinh thái thương mại điện tử. Logic bán hàng và lời giải khi doanh thu giảm Mục tiêu tạo ra giá trị đồng đều hơn cho thị trường được hiện thực hóa với việc giúp nhà bán hàng nhỏ lẻ biết được: thế nào là bán hàng đúng trên thương mại điện tử. “Hầu hết các đối tượng này chưa biết cách bán hàng trên sàn thương mại điện tử”, Hải Nam nhận xét. Cách bán hàng ở đây, ngoài việc các thao tác thủ công, tương tác còn phải kể đến việc hiểu logic bán hàng. Từ việc không biết, nhiều nhà kinh doanh nhỏ vẫn loay hoay mỗi ngày mà vẫn không thể lý giải được vì sao doanh thu thấp, sụt giảm hay thậm chí phải “đóng cửa”. Đi sâu về bản chất, Hải Nam lý giải doanh thu trên thương mại điện tử sẽ đến từ 3 yếu tố: số lượng người xem, tỷ lệ chuyển đổi (mua hàng) và giá trị đơn hàng. Nghĩa là muốn tăng doanh thu, bạn cần phải tăng 3 chỉ số trên. Xét riêng từng yếu tố, số lượng người xem có 2 đầu vào: tự có của sàn hoặc chạy quảng cáo. Thứ 2, để tăng tỷ lệ chuyển đổi mua hàng cần có: giá phù hợp; trữ đủ hàng tồn kho; nhận xét tích cực; mô tả sản phẩm chi tiết; thời gian giao hàng; tâm lý không mua ngay sẽ hết (khuyến mãi giới hạn, voucher...). Thứ 3, nếu giá trị sản phẩm nhỏ thì có thể thử tăng size, sản phẩm đời mới (ví dụ đời 2018 giá cao hơn 2017); combo (bộ 2-3 sản phẩm giống nhau); gộp mua kèm. Từ những logic trên, có đến hàng nghìn công thức bán hàng mà nếu không hiểu, sẽ không có chiến lược cho mình. Bạn sẽ không phải học thuộc lòng chúng, nếu sử dụng PowerSell. Giải pháp này mang đến 3 tính năng chính cho nhà bán hàng nhỏ, lẻ. Đó là quản lý tập trung tất cả các kênh trong một hệ thống; phân tích dữ liệu, tư vấn quản lý qua trợ lý ảo; tự động hoá hầu hết các công việc quản lý. Màn hình chính thể hiện thông tin tổng quan các gian hàng. Ví dụ: bạn đang có một gian hàng bán rất tốt trên sàn A. Nếu muốn mở rộng sang 2 kênh khác, bạn chỉ cần liên kết tài khoản đăng ký trên các sàn này với PowerSell, hệ thống sẽ tự động sao chép toàn bộ dữ liệu hiện có lên các sàn mong muốn mà bạn không cần tốn thời gian đăng tải thông tin, hình ảnh. “Theo đó, nhờ sự hỗ trợ của PowerSell, bạn có thể tăng 40% doanh số khi mở thêm 2 kênh”, Bùi Hải Nam cho biết. Sau khi cập nhật xong dữ liệu, người chủ cửa hàng có thể xem xét, quản lý, điều chỉnh thông tin trên một màn hình duy nhất, không cần mở hàng chục trình duyệt cho riêng mỗi sàn. Hệ thống cũng tự động thống kê các chỉ số quan trọng nhất trong kinh doanh như hôm nay bán được bao nhiêu, doanh số tăng giảm thế nào... Như vậy, người quản lý có thể tiết kiệm ít nhất một tiếng mỗi ngày. Nếu mở 3 kênh, cần ít nhất 3 nhân sự, chi phí gần 20 triệu đồng và thao tác thống kê, tổng hợp doanh thu mất đến 6 tiếng (2 tiếng một người). Có nghĩa, khi sử dụng PowerSell, bạn có thể tiết giảm phí đầu tư nhân sự và cả thời gian thực hiện. Giải pháp thứ 2, được coi là “linh hồn” của PowerSell, chính là phân tích và tư vấn sự thay đổi doanh số. Sau bước thống kê ngày hôm nay doanh số giảm, hệ thống sẽ phân tích cho người quản lý về lý do: sản phẩm tắc đột ngột, hết hàng, đối thủ giảm giá, sàn không có chương trình khuyến mãi nên lượng truy cập giảm, bị người mua nhận xét xấu... Ứng với mỗi thực trạng, công cụ này cũng gợi ý giải pháp ví dụ như: gian hàng đang giảm 30%, thiếu hàng tồn kho và cần nhập 30 cái... Tính năng phân tích chuyên sâu về sản phẩm, tư vấn, gợi ý hành động cho chủ shop. PowerSell còn được trang bị một số công cụ tự động như cảnh báo sắp hết hàng tồn kho và cần nhập bao nhiêu; thay đổi giá ở một nơi rồi cập nhật lên tất cả các sàn hiện tại... Sau một năm chính thức ra mắt, PowerSell đã trải qua 2 lần đập bỏ và gần như làm lại từ đầu. Tháng 11/2018, phiên bản 3 sẽ được hoàn thiện và tiến ra Đông Nam Á với thị trường đầu tiên là Philippines. CEO Hải Nam cho biết, có khoảng 250.000-300.000 nhà bán hàng nhỏ, lẻ trong ngành thương mại điện tử ở Philippines. Mục tiêu của Datamart đặt ra là tiếp cận được 15% nhà bán hàng toàn Đông Nam Á trong vòng 5 năm tới. CEO Bùi Hải Nam. Datamart là một trong 25 startup nổi bật của chương trình bình chọn Startup Việt 2018 do VnExpress tổ chức. Top 25 startup được phân bổ vào 5 đội. Mỗi đội có 2-3 chuyên gia đến từ các tổ chức đầu tư, đào tạo và huấn luyện startup phụ trách bồi dưỡng năng lực và phát triển dự án của các nhóm đăng ký thi. Dự kiến vòng đào tạo sẽ diễn ra trong vòng một tháng. Độc giả tham gia bình chọn cho top 25 từ nay đến ngày 5/11 tại đây. Kết quả của độc giả được tính một phần vào kết quả chung cuộc. Ban tổ chức sẽ lựa chọn ngẫu nhiên trong danh sách tham gia bình chọn. Giải thưởng là một TV và một smartphone cho duy nhất một độc giả. Bạn đọc may mắn sẽ nhận giải tại lễ vinh danh Startup Việt 2018 diễn ra vào 15/11. Chương trình bình chọn Startup Việt 2018 nhằm kết nối, ươm mầm, tìm kiếm các startup nổi bật trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam; góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, vinh danh những mô hình kinh doanh đột phá, phát triển bền vững và hữu ích về kinh tế - xã hội... Hoài Nhơn Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress