Việc AMD tập trung vào thị trường máy tính cá nhân được xem là chiến lược táo bạo trong bối cảnh hiện nay. AMD cho biết hãng sẽ tập trung phát triển các dòng chip xử lý (APU) và chip đồ họa cho máy tính cá nhân dù thị trường này đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ thiết bị di động trong những năm gần đây. Chiến lược này được đánh giá là mạo hiểm khi Intel, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới hiện nay cũng từng bước “lấn sân” sang mảng chip di động với SoC (system on chip) Lexington và Bay Trail. Thống kê thị phần, sự tăng trưởng của thiết bị điện toán thông minh do IDC thực hiện vào cuối tháng 2. Ảnh: PCWorld Mỹ. Dù vậy, theo những số liệu thống kê của công ty nghiên cứu thị trường IDC (thuộc tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG), chiến lược của AMD hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể đến năm 2017, IDC dự kiến thị phần máy tính cá nhân sẽ chiếm khoảng 17% thị phần thiết bị điện toán thông minh (gồm desktop, laptop, tablet và smartphone) với khoảng 380 triệu máy tính xuất xưởng. Nếu so với con số 350 triệu của năm 2012, máy tính cá nhân vẫn tiếp tục phát triển, dù chậm nhưng vẫn ổn định. Bên cạnh đó, việc đồng sở hữu bản quyền sáng chế kiến trúc máy tính x86 với Intel cùng với việc mua lại hãng sản xuất chip đồ họa ATI Technologies giúp tăng khả năng cạnh tranh của AMD với Intel trong mảng chip xử lý (CPU) hoặc với Nvidia trong mảng chip đồ họa (GPU). Theo kế hoạch, AMD sẽ giới thiệu nền tảng Fusion, thế hệ APU (bộ xử lý tăng tốc đồ họa) đầu tiên vào đầu năm 2009 nhưng dự án này đã kéo dài cho đến giữa năm 2010, hãng mới trình làng APU Fusion đầu tiên tại triển lãm Computex 2010. Theo lộ trình sản phẩm năm 2013, AMD ra mắt các APU Richland trước khi chuyển sang công nghệ 28nm với APU Kaveri. Ảnh: AMD. Tuy nhiên, trên thực tế, những đột phá của AMD bắt đầu từ các APU dòng A (bộ xử lý tăng tốc đồ họa) thế hệ thứ hai (tên mã Trinity) được hãng tung ra thị trường vào tháng 5 năm ngoái. APU Trinity được sản xuất dựa trên vi kiến trúc Piledriver công nghệ 32nm, thiết kế hướng đến dòng máy tính xách tay và để bàn phổ thông. Theo AMD, so với thế hệ APU Llano, Trinity có thể cải thiện khoảng 25% khả năng tính toán dấu chấm động, 50% hiệu năng đồ họa và nếu xét trên mỗi watt điện năng tiêu thụ thì hiệu năng chip Trinity cao gấp đôi so với thế hệ trước (Llano). Cũng trong quý I năm nay, AMD đã giới thiệu những mẫu chip APU thế hệ thứ ba (tên mã Richland) đầu tiên cho máy tính xách tay và thiết bị lai trong khi chip điện áp thấp (TDP 17W) và chip dành cho máy tính để bàn (TDP 100W) sẽ được trình làng vào cuối quý II. Về cơ bản, APU Richland được xem là phiên bản làm mới từ chip Trinity với thiết kế dựa trên vi kiến trúc Piledriver cùng công nghệ sản xuất High-K Metal Gate SOI 32nm. Tuy có cùng công suất tiêu thụ (TDP) 35W nhưng APU Richland có xung nhịp (core clock) cao hơn, tích hợp đồ họa Radeon HD 8000 nên hoạt động hiệu quả hơn so với Trinity từ 20 đến 40% tùy sản phẩm. Radeon HD 7790 là mẫu card đồ họa dòng phổ thông mới nhất của AMD nhằm “lấp chỗ trống” giữa HD 7770 và 7850 và cạnh tranh trực tiếp với Nvidia GeForce GTX 650 Ti . Ảnh: AMD. Về mảng đồ họa, AMD cho biết sẽ sớm tung ra các dòng chip đồ họa di động thế hệ mới Radeon HD 8000M trong khi vẫn duy trì các mẫu chip đồ họa rời Radeon HD 7000 cho nền tảng máy tính để bàn; ít nhất cho đến cuối năm 2013. Radeon HD 8000M vẫn sử dụng kiến trúc đồ họa Graphics Core Next (GCN) như thế hệ trước, hỗ trợ đầy đủ thư viện đồ họa DirectX 11.1, OpenGL 4.3 và OpenCL 1.2. Đại diện AMD cho biết, hiệu năng dòng chip đồ họa rời Radeon HD 7000 hiện vẫn đủ mạnh để cạnh tranh tốt với dòng GeForce 600 của Nvidia. Vì vậy việc nâng cấp dòng chip đồ họa mới là không cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, AMD sẽ tập trung vào việc phát triển trình điều khiển (driver) và hợp tác cùng các nhà phát triển game lớn như Crysis 3, Tomb Raider, Devil May Cry, Far Cry 3, Bioshock Infinite nhằm tối ưu GPU và xử lý đồ họa game tốt nhất. Đông Quân Nguồn: VNExpress