'Thái độ mở lòng sẽ giúp startup đi xa'

Discussion in 'Kỹ năng nghề nghiệp' started by Robot Siêu Nhân, Oct 30, 2018.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 169)

    Ông Nguyễn Việt Đức là một trong các huấn luyện viên trong cuộc bình chọn Startup Việt 2018 do VnExpress tổ chức. Ông chia sẻ những vấn đề startup hay gặp phải và bí quyết để chinh phục nhà đầu tư.

    - Các startup thường gặp vấn đề gì khi gọi vốn đầu tư, thưa ông?

    - Đa phần khi gọi vốn, ngay cả những startup nước ngoài gọi vốn tại Việt Nam đều có trở ngại chung. Các bạn mới khởi nghiệp nên thông thường những yếu tố về thông số, cách thức quản trị tài chính, kế hoạch kinh doanh và tổ chức đội nhóm rất thiếu. Trong khi đó, hoạt động đầu tư phải tiến hành dựa trên kiểm chứng, rà soát các hoạt động đã tiến hành thông qua các con số tài chính. Những con số các bạn đưa ra thường gây trở ngại rất lớn cho nhà đầu tư khi tiến hành rà soát để đưa ra quyết định.

    Trở ngại thứ hai có tỷ lệ rất lớn startup gọi vốn là ý tưởng nhưng về việc kinh doanh thực sự chưa sáng. Nhà đầu tư là những người rất thực tế và hiểu thị trường, những vấn đề và cơ hội để có thể tiến hành một việc kinh doanh thực sự. Nhưng startup thông thường chỉ khởi điểm là những ý tưởng và tính tròn trịa trong việc lắng nghe ý kiến khách hàng để làm thành một sản phẩm có khả năng kinh doanh thật sự thì vẫn còn thiếu.

    Với riêng startup Việt gặp trở ngại hơn nữa với vấn đề thứ hai. Cách tiếp cận của các startup nước ngoài, đặc biệt ở những quốc gia phát triển thường rất thực tế, trực quan vào vấn đề của xã hội để tìm cách giải quyết. Chính vì vậy, thông thường ý tưởng các bạn đưa ra đã có thể chuyển đổi thành việc kinh doanh. Nhưng đối với startup Việt thì cái nhìn của các bạn không được trực quan và thực tế mà chỉ thường xuất phát từ ý tưởng hoặc nghe ngóng đâu đó. Chúng ta đều biết từ ý tưởng đến ra đời sản phẩm khác nhau rất nhiều. Bản thân các bạn sáng lập đang chỉ dừng lại ở một ý tưởng dịch vụ nào đó, khi biến thành sản phẩm cụ thể thì không biết cách lắng nghe, tìm tòi, làm nghiên cứu thị trường. Điều đầu tiên mà đối tác và nhà đầu tư muốn nghe là bạn giải quyết vấn đề gì chứ không phải cơ hội ngoài kia có nhiều hay ít bởi chúng tôi không thiếu thông tin và thừa sức biết. Nhiều bạn quá tự tin về mặt ý tưởng nhưng đi vào độ sâu của sản phẩm thì không có so với các startup nước ngoài.

    Điều may mắn là hiện tại chúng ta đang được hỗ trợ rất nhiều từ các nguồn lực, trong đó bao gồm các đơn vị hỗ trợ hệ sinh thái. Chúng tôi chia hệ sinh thái thành hai cấu phần chính. Một là những key player (người làm chủ cuộc chơi), bao gồm đội ngũ sáng lập, nhà khoa học, trường đại học, nơi hình thành ra những ý tưởng. Cấu phần thứ hai vô cùng quan trọng là sự hỗ trợ của Chính phủ, các khu vực tư nhân, quỹ đầu tư, vườn ươm, hệ sinh thái... Chính những khu vực hỗ trợ này đang phản biện khu vực một rất nhiều và chính sự phản biện, quan tâm phản biện ấy đang giúp startup có cơ hội để vượt qua những thách thức mà tôi vừa nhắc đến. Chỉ có cách duy nhất là nói ra, đón nhận phản hồi sẽ là quá trình cọ xát để giúp các nhà sáng lập tìm ra cách thức đi từ ý tưởng thành sản phẩm và từ sản phẩm chuyển thành khách hàng như thế nào.

    [​IMG]

    Ông Nguyễn Việt Đức trao đổi cùng các startup tại workshop chủ đề "Go Global - Vươn ra thế giới" thuộc khuôn khổ chương trình Startup Việt 2018. Ảnh: Hữu Khoa.

    - Vậy trong vai trò một nhà đầu tư, những tiêu chí nào được ông đánh giá đầu tiên?

    - Tôi thường lựa chọn dựa trên bốn yếu tố. Một là vấn đề bạn dự kiến giải quyết có rõ ràng hay không và đấy có thực sự là vấn đề hay không. Ý tưởng có thể không phải là lời giải bởi đôi khi thị trường không cần để giải và vì thế từ ý tưởng đến lời giải là hai cái khác nhau. Tiêu chí thứ hai là độ lớn của lời giải, nó giải quyết được nhu cầu và vấn đề cho bao nhiêu người, nội địa hay nước ngoài, trong khu vực hay tầm vóc ra sao. Nếu độ lớn chỉ phục vụ cho một phường xã thì nhà đầu tư không bao giờ quan tâm bởi phải có tính lan tỏa mạnh và độ bao phủ lớn.

    Ba là một lợi thế cạnh tranh đặc biệt. Chúng ta nhìn thấy giải pháp, độ lớn nhưng phải có một đội ngũ, lợi thế cạnh tranh đặc biệt nào đó để chiếm được thị phần. Điều này có thể nằm ở mô hình kinh doanh lớn, đội nhóm, một tài năng hay bạn có được đỡ đầu bởi ai, có hạ tầng nào chưa. Đấy là lợi thế cạnh tranh mà người khác cũng nhìn thấy nhưng không đi được như bạn. Thứ tư là yếu tố con người, đặc biệt là nhà sáng lập, cách thức tổ chức đội nhóm, lấp đầy khoảng trống của nhau ra sao, cách các bạn cam kết và thái độ đạo đức với xã hội như thế nào.

    - Khởi nghiệp đang được xem là trào lưu. Ông thấy điều này mang lại lợi thế hay rủi ro nào cho nền kinh tế nói chung của Việt Nam?

    - Một vấn đề có nhiều cách nhìn và nhiều tầng phát triển của đối tượng đó. Nếu xem xét khởi nghiệp là trào lưu thì có nhưng nói xấu hay tốt thì không hẳn. Nếu muốn thì khởi nghiệp phải được truyền cảm hứng nhưng nếu truyền cảm hứng thì lại thành ra phong trào. Tuy nhiên, xuất phát từ phong trào thì căn cứ trên yếu tố được truyền cảm hứng đó thì mới hình thành nên và lan tỏa ra những người mới, ý tưởng, sự trăn trở để thực hiện công tác đổi mới sáng tạo. Cho nên phong trào không xấu, vấn đề là chúng ta dẫn dắt một phong trào để đi đến kết quả cuối cùng thì hơi phụ thuộc yếu tố về mặt chiến lược của người dẫn đầu để mang phong trào đó đến đích hay không. Còn bản thân phong trào không nên xem xét là tốt hay xấu mà là nguồn cảm hứng của một sự bắt đầu.

    Có nhiều nơi đi vào thực chất nhưng bị vướng vào vấn đề phong trào vì họ nghĩ không cần thiết phải truyền cảm hứng mà những ai đã sẵn khởi nghiệp sẽ được trợ giúp nhưng cái đó rất ngắn. Khi ngừng những yếu tố hỗ trợ lại thì hệ sinh thái sẽ dừng ngay, vì vậy sự truyền cảm hứng cần diễn ra liên tục. Có những nơi chỉ tập trung truyền cảm hứng nhưng không có hoạt động hỗ trợ cụ thể để các doanh nhân biến ý tưởng thành công ty thật sự thì ở đó sẽ thiếu đi tính thực chất. Tôi đưa ra ngữ cảnh là nhìn phong trào như một yếu tố truyền cảm hứng nhưng để kéo dài hay không thì cần những hoạt động thực chất.

    - Vậy đâu là lợi thế của startup Việt để vươn ra thế giới?

    - Một điểm yếu ở startup Việt là không có thái độ mở lòng. Chính vì vậy, các nhà sáng lập thường có tư tưởng nhỏ bé, quá tự tin với ý tưởng của mình, sợ chia sẻ ra sẽ bị ăn cắp mất hoặc sợ nói ra mọi người sẽ ném đá, bình luận. Thái độ e ngại và giấu kín đó đang cản trở việc mở lòng của startup. Chúng ta hiểu rằng một doanh nghiệp lớn cần rất nhiều mảnh ghép, một doanh nghiệp mới khởi động chưa nghĩ đến câu chuyện mở lòng để tìm kiếm mảnh ghép thì đương nhiên sẽ chết yểu vì còn quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt.

    Tôi nghĩ một điều chưa hẳn là điểm mạnh nhưng có thể khai thác khi người Việt hay nhìn thấy nhiều vấn đề, đánh giá những mặt chưa tích cực và nhìn thấy điểm yếu rõ hơn điểm tốt của người khác. Từ đây chúng ta có thể nghĩ ra giải pháp để hoàn thiện. Chỉ cần các bạn có thể chuyển đổi tư duy từ thái độ chỉ trích sang xây dựng thì lập tức ý tưởng khởi nghiệp xuất hiện ngay và đây sẽ là lợi thế để bạn tiến xa.

    *Ông Nguyễn Việt Đức nói về chương trình Startup Việt 2018.

    [​IMG]

    Trương Sanh
    Video: Hồng Phúc - Công Khang


    Báo VnExpress tổ chức chương trình bình chọn thường niên Startup Việt nhằm kết nối, ươm mầm, tìm kiếm các startup nổi bật trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chương trình nhằm góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, vinh danh những mô hình kinh doanh đột phá, phát triển bền vững và hữu ích về kinh tế - xã hội...

    Độc giả tham gia bình chọn Top 25 Startup Việt 2018 tại đây.


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress
     
  2. Facebook comment - 'Thái độ mở lòng sẽ giúp startup đi xa'

Share This Page