Báo VnExpress vừa phối hợp với Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SiHub) trực thuộc Sở Khoa học Công nghệ TP HCM tổ chức buổi đào tạo chủ đề "Quản trị nguồn nhân lực" vào ngày 26/10 tại không gian khởi nghiệp SiHub, TP HCM. Đây là hoạt động nằm trong chương trình bình chọn Startup Việt 2018. Tại sự kiện, các chuyên gia phân tích các những rào cản startup gặp phải về nhân sự, từ vấn đề nội tại như đội ngũ, đồng sáng lập, nhân viên... cho đến yếu tố bên ngoài như đối tác, khách hàng và đối thủ. Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc SiHub cho biết qua quá trình tiếp xúc hàng trăm startup làm việc với vườn ươm khởi nghiệp này mỗi năm, ông nhận ra một trong những vấn đề lớn nhất của các bạn là sự thiếu hụt nhân sự chuyên môn trong cấu trúc đội ngũ. Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SiHub) trực thuộc Sở Khoa học Công nghệ TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa. Đơn cử startup có nhóm các nhà sáng lập am hiểu thuần về kỹ thuật thường thiếu nhân sự phụ trách thị trường hoặc thiếu người giỏi chuyên môn tài chính để quản lý sổ sách... Các nhóm có người sáng lập thiên về kinh doanh thì lại thiếu giải pháp công nghệ bền vững. "Ví dụ một startup sáng chế sản phẩm giá trị gia tăng từ cây dược liệu - một thế mạnh của Việt Nam, thì mới dừng lại ở các chế phẩm đơn giản như trà, nước uống, mà chưa tạo ra được những sản phẩm giá trị gia tăng cao như thực phẩm chức năng, dược liệu, mỹ phẩm...", ông Tước nhận xét. Theo đại diện SiHub, điều này khiến dự án khởi nghiệp thiếu tính thuyết phục trong mắt các nhà đầu tư. Để khắc phục, ông khuyến nghị startup tìm kiếm nhân sự phù hợp để làm đầy đội ngũ hoặc liên kết với các nhóm đối tác cung cấp dịch vụ về phần mềm, công nghệ, quản lý tài chính, phát triển kinh doanh... Đồng tình với giải pháp trên, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện tử Asanzo cho rằng để tuyển dụng nhân tài tham gia vào đội ngũ khởi nghiệp là một việc khó khăn, nhất là khi startup còn trong giai đoạn tài chính eo hẹp, cấu trúc vận hành chưa hoàn chỉnh... Tuy nhiên theo ông Tam, startup vẫn có thể chiêu mộ tài năng với vai trò đồng sáng lập hoặc phụ trách một bộ phận lớn cho startup nếu người sáng lập có sự quan tâm đúng mức đến đội ngũ. "Tại Asanzo, khi tuyển dụng một nhân sự từng làm việc tại tập đoàn lớn, chúng tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu năng lực, tính cách, nguyện vọng...để đảm bảo vị trí và công việc tại Asanzo phù hợp với họ", CEO tập đoàn điện tử Việt cho biết. "Chẳng hạn khi tôi muốn tuyển một người phát triển thị trường miền Tây, tôi đi tìm người có chí hướng giống như tôi, chia sẻ với họ nguyện vọng của Asanzo và lắng nghe nguyện vọng của họ". Việc tìm người có cùng nguyện vọng, chí hướng với doanh nghiệp giúp đôi bên có thể hợp tác tốt, lâu dài và có cơ sở niềm tin vững chắc hơn. Hiện, Asanzo có 6 công ty con với nhân sự lãnh đạo đều là những vị "tướng tài" bên cạnh CEO Phạm Văn Tam. Nhiều người từng làm việc cho các tập đoàn lớn, đa quốc gia, tuy nhiên vẫn gắn bó với Asanzo bởi nhiệt huyết và hoài bão của CEO 8x với ngành điện tử Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện tử Asanzo. Ảnh: Hữu Khoa. Còn ông Lý Trường Chiến - Chủ tịch HĐQT Trí Tri Corporation, đồng thời là chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, cho rằng startup không nên dùng "chiêu" thông thường như thu nhập, khả năng thăng tiến, môi trường làm việc... để chiêu mộ nhân sự. Bởi khi khởi nghiệp cần xác định công việc khó nhọc, đòi hỏi tinh thần dấn thân, dám chấp nhận thử thách để tạo ra những sản phẩm, giải pháp khác biệt. "Do đó để tuyển dụng được đúng người tài và phù hợp với doanh nghiệp, cần thấu hiểu họ và khiến cho họ thấu hiểu tâm huyết, tầm nhìn và mục tiêu của bản thân mình để tìm ra giải pháp, hình thức hợp tác có lợi cho cả hai", ông Chiến nói. Một trong những yếu tố đòi hỏi startup thấu hiểu là khát vọng được học hỏi, gia tăng hiểu biết và thăng tiến trong tri thức lẫn trong sự nghiệp. Theo ông Chiến, nhân sự trong bất cứ tổ chức nào cũng mong muốn phát triển bản thân theo thời gian, dù làm việc cho một startup hay một tập đoàn đa quốc gia. Do đó để một nhân sự gắn bó với doanh nghiệp, cần tạo sự gắn kết về tâm và trí giữa người sáng lập và toàn thể đội ngũ. "Cần tạo cơ hội để các bạn được học hỏi, trau dồi bản thân và phát triển sự nghiệp thông qua việc thưởng phạt công tâm và cơ hội thăng tiến lên những vị trí cao hơn", ông Chiến khuyến nghị. Ông Lý Trường Chiến - Chủ tịch HĐQT Trí Tri Corporation, sáng lập và chủ nhiệm chương trình Lãnh đạo tỉnh thức. Ảnh: Hữu Khoa. Mặt khác, startup cũng cần trao quyền đúng người, đúng việc cho đội ngũ. "Nên trao quyền khi họ thể hiện năng lực thực sự với quyền hạn đó, cần mở không gian cho mỗi cá nhân thể hiện rõ ràng, mạnh mẽ và tích cực nhất trên nguyên tắc người làm việc lớn hơn có ảnh hưởng rộng hơn về phạm vi trách nhiệm". Cũng theo chuyên gia tư vấn khởi nghiệp này, trong mối quan hệ nhân sự thứ hai, tức giữa startup và khách hàng, các nhà sáng lập thường rơi vào bẫy quá chăm chút đến sản phẩm, thích thú với ý tưởng, giải pháp của mình mà quên đi việc quan tâm và lắng nghe người xung quanh. "Các bạn bị cuốn vào sản phẩm và không lắng nghe phản hồi từ khách hàng, thị trường, chỉ muốn họ mua sản phẩm, giải pháp mình thích và do mình tạo ra", ông Chiến phân tích. Điều này đi ngược với nguyên tắc khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup) là dùng công nghệ phát triển giải pháp, sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng và sẵn sàng tiếp nhận phản hồi tích cực lẫn tiêu cực. Trên cơ sở đó khắc phục sản phẩm và tạo ra những phiên bản alpha, beta, gamma... để phát triển dự án, gia tăng tính thích nghi và phục vụ đúng nhu cầu của người tiêu dùng. Đông đảo các nhóm startup tham gia Startup Việt 2018 và SiHub nghe tư vấn từ chuyên gia về quản trị nguồn nhân lực. Ảnh: Hữu Khoa. Mối quan hệ nhân sự thứ ba, tức giữa startup và đối thủ, vấn đề nằm ở việc các bạn khởi nghiệp thường hạ thấp đối thủ cạnh tranh. Theo ông Huỳnh Kim Tước, thái độ này không giúp nêu bật ưu thế cạnh tranh của startup mà thậm chí còn làm giảm tính thuyết phục của sản phẩm đối với các nhà đầu tư. Theo chuyên gia từ SiHub, các nhóm khởi nghiệp cần "biết mình, biết ta", quan sát, phân tích, nhìn nhận điểm mạnh lẫn điểm yếu của đối thủ, từ đó phát hiện điểm mạnh và điểm yếu của mình. "Hơn thế nữa các bạn cần phân tích cả đối thủ cạnh tranh trong tương lai, tức là những ai có thể giải quyết điểm yếu mà sản phẩm, giải pháp của mình chưa thể giải quyết hoặc những ai có thể tạo ra sản phẩm giống như mình", ông Tước khuyến nghị. Ông Phạm Văn Tam chia sẻ về nguồn nhân lực. Nam Anh Báo VnExpress tổ chức chương trình bình chọn thường niên Startup Việt nhằm kết nối, ươm mầm, tìm kiếm các startup nổi bật trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chương trình nhằm góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, vinh danh những mô hình kinh doanh đột phá, phát triển bền vững và hữu ích về kinh tế - xã hội... Độc giả tham gia bình chọn Top 25 Startup Việt 2018 tại đây. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress