Gần hai năm sau ngày được chẩn đoán ung thư lưỡi, thầy giáo Đồng trở về với cuộc sống ấm êm bên vợ và cô con gái nhỏ nay 6 tháng tuổi. Thầy giáo dạy Toán đã khỏe mạnh đến lớp cùng học trò. Những giò phong lan anh chăm sóc vẫn khoe sắc trong khu vườn nhỏ của gia đình ở thành phố Quảng Ngãi. Anh Đồng khỏe mạnh hội ngộ bác sĩ Trường trong lần tái khám mới đây. Ảnh: L.P. Năm 2016, lưỡi của anh có những dấu hiệu giống như nhiệt miệng với một vài nốt nhỏ hơi đau. Uống thuốc không đỡ, anh đi khám bác sĩ tai mũi họng chẩn đoán viêm vành lưỡi. Tự tìm hiểu thông tin, anh thấy biểu hiện bệnh của mình giống ung thư nên đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng khám. "Bệnh nhiệt miệng thường khoảng một tuần là khỏi còn tôi uống thuốc các nốt chai đi mà không hết, thỉnh thoảng gây sốt", anh Đồng chia sẻ. Có khi đang ngủ anh cảm giác như có luồng điện chạy giật ngang mang tai. Thỉnh thoảng khi ăn đồ cay nóng anh có cảm giác đau rát. Ngày 3/1/2017, kết quả sinh thiết cho thấy anh bị ung thư lưỡi giai đoạn một. "Lúc đó tôi 32 tuổi, chỉ còn 20 ngày nữa là cưới vợ nên vô cùng sốc", anh Đồng kể. Nhờ vợ sắp cưới và gia đình động viên, tìm hiểu thêm thông tin, anh dần ổn định tinh thần, nhanh chóng vào TP HCM chữa bệnh. Tiến sĩ Bùi Xuân Trường, Trưởng Khoa Ngoại 5, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết đây là bệnh nhân ông khá ấn tượng vì "yêu cầu bác sĩ mổ sớm để về cưới vợ". "Bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm, khối bướu chỉ lớn hơn một cm nên sau khi cắt rộng xong không cần tạo hình lưỡi, chỉ nạo hạch cổ phòng ngừa di căn", bác sĩ Trường chia sẻ. Anh Đồng được xếp lịch mổ ngày 14/1, 4 ngày sau thì xuất viện về quê và ngày 21 cưới vợ. Anh chỉ cần phẫu thuật, không cần xạ trị, tái khám theo dõi định kỳ. Việc phát âm ban đầu bị ảnh hưởng do mổ lưỡi nhưng nay đã cải thiện đáng kể, thầy giáo vẫn ngày ngày đứng lớp nói chuyện, giảng dạy học trò. Căn bệnh ung thư như một dấu mốc thay đổi nhiều thứ cuộc đời anh. "Lúc xưa chưa bệnh mình nóng tính, đôi lúc thiếu kiềm chế. Giờ mình nhìn mọi thứ nhẹ nhàng, biết bỏ qua những cơn nóng", thầy giáo Đồng chia sẻ. Anh biết trân trọng hơn những thứ mình có, đặc biệt là sức khỏe. Anh bỏ hẳn thói quen nhậu nhẹt, không còn hút thuốc, ăn uống lành mạnh, siêng chạy thể dục hơn. Tình thương với gia đình, với người vợ đã sát cánh cùng anh chiến đấu bệnh tật ngày càng lớn thêm. Những giò phong lan khoe sắc trong vườn nhà anh Đồng. Ảnh nhân vật cung cấp. Theo bác sĩ Trường, một tháng gần đây Bệnh viện Ung bướu TP HCM có 51 ca ung thư lưỡi nhập viện, trong đó có 6 trường hợp dưới 40 tuổi. Trước đây ung thư lưỡi thường xuất hiện ở tuổi trên 50, nay gặp nhiều ở người trẻ, có bệnh nhân chỉ mới 19 tuổi. Bệnh phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi cao. Tỷ lệ sống còn trên 5 năm của bệnh nhân giai đoạn 1, 2 khoảng 70-80 %, giai đoạn 3-4 chỉ còn 30-40%. Nguyên nhân gây ung thư lưỡi hiện chưa rõ, một số yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống rượu bia, vệ sinh răng miệng kém, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng thiếu vitamin A, C, D, thói quen nhai trầu xỉa thuốc. Các nhà nghiên cứu gần đây nghi ngờ yếu tố virus HPV có thể liên quan đến bệnh. Giai đoạn rất sớm bệnh nhân thường cảm giác hơi vướng, cấn ở lưỡi, lúc khám có thể thấy một vùng dày lên hoặc biến đổi màu, vết loét nhỏ giống như nhiệt miệng nên dễ bị bỏ qua. Giai đoạn trễ hơn bệnh nhân đau, chảy máu, tiết nước miếng nhiều hơn, khó cử động lưỡi, có mùi hôi do bướu nhiễm trùng. Khám thấy khối bướu chồi sùi rõ như bông cải, có thể có vết loét xâm nhiễm cứng trong miệng. Giai đoạn cuối bướu xâm lấn sâu hơn, chảy máu, đau nhức, khó nuốt, di căn hạch cổ, làm bệnh nhân suy kiệt, tử vong. Điều trị giai đoạn sớm chỉ cần phẫu thuật hoặc xạ trị đơn thuần. Bệnh nhân thường được nạo hạch cổ vì tỷ lệ di căn hạch cổ âm thầm cao 30-50 %. Giai đoạn muộn bệnh nhân có thể phẫu thuật kết hợp hóa - xạ trị. Sau khi mổ cắt phần lưỡi có bướu, các bác sĩ tái tạo lưỡi từ các mô xung quanh hoặc từ da đùi, da cẳng tay, mục đích phục hồi chức năng phát âm, nuốt, cảm giác, cử động lưỡi cho bệnh nhân. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress