Biển báo "Đi nhanh nhưng đừng chạy" hay "Hãy đội mũ hoặc che ô" xuất hiện ở Australia mỗi mùa xuân tới. Môi trường sống bị thu hẹp kéo theo cuộc đụng độ giữa chim ác là và người. Vào một ngày mùa xuân đẹp trời tại Melbourne, Geoff Maslen đang đạp xe tới phòng tập gym thì cảm thấy có thứ gì đó va vào chiếc mũ bảo hiểm trên đầu. Ban đầu, ông không hiểu chuyện gì đang xảy ra, lúc đó trời không mưa. Sau đó, Maslen mới biết một con chim ác là đang hung dữ mổ vào phía sau đầu ông. “Bạn của tôi từng bị ác là tấn công nhưng nó nhận ra rằng chiếc mũ bảo hiểm sẽ giúp ông ấy không bị thương, nên nó ngoạm tai ông ấy khi sà xuống. Máu chảy xuống đầu ông ấy”, Maslen nói. Chim ác là tấn công một con quạ hồi năm 2017. (Ảnh: Getty). Australia nổi tiếng có hệ động vật hoang dã nguy hiểm, từ cá mập đến nhện, rắn. Có lẽ người nước ngoài sẽ thấy kỳ lạ khi loài vật đáng sợ nhất với dân địa phương lại là con chim hai màu trắng, đen đẹp mắt và chỉ hơn 30 cm. Hồi tháng 9, theo truyền thông Australia, tại Perth, một bé trai ngồi trong xe đẩy suýt bị ác là làm cho mù sau khi nó sà xuống và tấn công mặt cậu bé. Cùng tháng, một nhà báo ở Melbourne đăng ảnh máu chảy xuống mặt sau khi con chim tức giận “không biết từ đâu đến” và làm anh bị thương. Chỉ riêng trong mùa năm nay đã có khoảng 3.000 vụ ác là sà xuống, làm bị thương khoảng 400 người. Trang web cảnh báo ác là cho biết phần lớn vụ việc xảy ra từ tháng 8 đến giữa tháng 10. Tuy nhiên, bất chấp nỗi sợ hãi mà chúng mang lại, ác là vẫn là một trong những loài chim được yêu quý. Tháng 12/2017, chúng được bình chọn là Loài chim của năm tại Australia trong cuộc khảo sát do Guardian và BirdLife tổ chức, vượt qua chim bói cá và hồng tước tiên. “Chúng là loài có sức hút đặc biệt. Chúng rất cuốn hút, thông minh và hay làm bạn, đặc biệt với người cho chúng thức ăn”, Maslen nói. Dẫu vậy, “mối quan hệ” có thể đi theo chiều hướng ngược lại. Ông kể: “Tôi có một người bạn ở Brisbane. Ông ấy nói là đã bị một con ác là nhắm vào trong suốt 25 năm”. "Hành vi phổ biến" của các loài chim Gisela Kaplan, giáo sư danh dự thuộc Đại học New England nằm ở phía đông nam Australia, đã nghiên cứu hành vi của ác là trong nhiều thập kỷ và là một người bảo vệ loài chim này. Bà khẳng định với CNN rằng loài chim này có thể có mối quan hệ lâu dài với con người nếu được đối xử tốt. “Việc lượn, sà là hành vi phổ biến đối với tất cả các loài chim. Chúng ta thường không để ý bởi vì hầu hết nhũng loài hay hót có kích thước nhỏ và nếu chúng có sà xuống thì ta cũng không chú ý thấy”, bà nói. Chim ác là xuất hiện ở Sydney. (Ảnh: Getty). Hiện tượng này thường xảy ra ở con đực với mục đích tự vệ khi chúng cảm thấy một kẻ lạ hoặc mối đe dọa đến quá gần tổ của chúng. Giáo sư Kaplan cho rằng đây là lời cảnh báo kẻ lạ tránh xa chứ không phải tấn công có chủ đích. “Chúng có thể sẽ sà xuống nhiều lần để báo hiệu rằng "các người đang ở quá gần tổ của tôi" và nếu con người không phản ứng thì chúng sẽ bay gần hơn tới đầu chúng ta và thậm chí là va chạm”, bà giải thích. Theo bà, một con chim sẽ không muốn “đụng độ” với con người để tránh làm bản thân chúng bị thương. “Con ác là không muốn và cũng không có lợi gì từ những tiếp xúc như vậy. Chúng có thể sẽ bị gãy cổ”. "Đừng chạy" Mỗi khi mùa xuân tới trên khắp Australia, trên cột đèn, bốt điện thoại là các biển cảnh báo người dân đi vào khu vực làm tổ của ác là. Tại bang Queensland, những lời khuyên như “Đi nhanh qua khu vực nhưng đừng chạy”, “Hãy đội mũ hoặc che ô” hay “Những người đi xe đạp hãy xuống xe và dắt bộ” xuất hiện ở nhiều nơi. Vào khoảng thời gian này, du khách tới Australia sẽ nhìn thấy nhiều người cầm gậy trên tay khi đi dạo và người lái xe đạp đội mũ bảo hiểm. “Cách phổ biến để đói phó với ác là sà xuống là cầm gậy huơ lên qua đầu khi đi vào khu vực chim ác là làm tổ”, Maslen nói. “Tôi từng thấy nhiều người đi xe đạp gắn que lên mũ bảo hiểm để ngăn chim đụng phải mũ của họ”. Tuy nhiên, Kaplan cho rằng sự gia tăng của những vụ việc này không phải là vấn đề có thể giải quyết được bằng vũ khí hay sáng tạo mũ bảo hiểm. Phát quang tràn lan và đô thị hóa nhanh đang đẩy các loài chim vào nhũng khu vực đô thị diện tích nhỏ. “Ở đường cao tốc hay những vùng nhộn nhịp mà tiếng ồn và hoạt động của con người làm cho loài ác là bị lấn át”, Kaplan nói. Cả bà và Maslen khẳng định ác là là một trong những loài chim thông minh và thân thiện nhất nếu chúng không bị rơi vào hoàn cảnh quá giới hạn, buộc phải tự vệ và bảo vệ tổ. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV