Khi đứa con thứ hai được sinh ra ba năm trước, người đàn ông Singapore tên Christopher Sun đã thuê một giúp việc người nước ngoài tới để chăm sóc con mình. Để an toàn, Sun đã thiết lập hệ thống camera giám sát trong nhà nhằm đảm bảo rằng người giúp việc sẽ "không làm những điều buồn cười", đồng thời có trách nhiệm hơn trong chuyện để mắt đến các con của anh. Một ngày, khi theo dõi camera từ văn phòng, anh đã bị sốc bởi những gì mình nhìn thấy. "Cô giúp việc đã đá con gái tôi một phát khiến nó ngã xuống đất", anh kể lại. "May mắn là đã lắp đặt camera, nếu không tôi sẽ không biết những đứa con của mình bị hành hạ bao nhiêu lần". Sun sau đó đưa cảnh quay cho cảnh sát và tải nó lên Facebook như một lời cảnh báo cho các phụ huynh khác. Anh chỉ là một trong nhiều người ở quốc gia này cài đặt camera giám sát trong nhà để theo dõi hoạt động của người giúp việc. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy tại Singapore, cứ 5 người giúp việc thì ít nhất một trong số họ đang sống cùng với những chiếc camera giám sát. Christopher Sun (áo xanh) giới thiệu về một chiếc camera giám sát do anh tự lắp đặt tại nhà. Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng việc giám sát trực tuyến và hành động ghi lại hoặc đăng các cảnh quay lên mạng có phải là vấn đề hợp pháp hay không. Trong hai năm qua, đã có một số trường hợp được báo cáo về việc người giúp việc phạm tội, như trộm cắp hay bạo hành với trẻ em và người già. Nhiều người trong số này bị phát hiện thông qua camera giám sát. Đây cũng là lý do tại sao ngày càng nhiều hộ gia đình lựa chọn sử dụng công nghệ như một biện pháp phòng ngừa. Nhưng trong khi một số người giúp việc chấp nhận sự hiện diện của những chiếc camera tại nơi họ làm việc, nhiều người khác lại phàn nàn về quyền riêng tư, bởi lúc nào cũng bị theo dõi. Có người nói rằng họ cảm thấy không thoải mái với những chiếc camera và "nếu người sử dụng lao động không tin tưởng bất cứ ai, thì đừng thuê người giúp việc". Rita, người Indonesia, là một trường hợp như vậy. Cô từng chịu sự giám sát quá mức của người thuê cũ khi họ lắp camera ở khắp mọi nơi trong nhà, từ phòng khách tới phòng ngủ chính, thậm chí cả trong phòng riêng của cô. Có một lần, khi con trai của người chủ leo lên bàn cà phê, cô ngay lập tức nhận được cuộc gọi để nhắc rằng "không được cho cậu bé ngồi trên bàn". "Tâm trạng tôi lúc nào cũng như kiểu: Ôi trời ơi, họ đã thấy tôi trên camera", cô kể lại. Theo Rita, chỉ cần ngồi xuống một lúc, điện thoại sẽ đổ chuông và cô sẽ được hỏi: "Tại sao vẫn đang ngồi vậy?". Ngay cả khi đi vào nhà vệ sinh, cũng nhận được một cuộc gọi hỏi tại sao cô "ở trong đó quá lâu". Nữ giúp việc này đã yêu cầu công ty thay đổi nhà chủ ngay khi hợp đồng kết thúc. Rita, vẫn không thoải mái khi nhắc lại việc bị giám sát quá gắt gao khi làm thuê cho người chủ cũ. United Channel, một công ty cho thuê người giúp việc tại Singapore, cho biết họ đã thấy nhiều trường hợp nhân viên của mình từ chối làm việc cho các gia đình có lắp đặt camera giám sát. Tỷ lệ này vào khoảng 3 phần 10. Flora Sha, một giám đốc chi nhánh, nhấn mạnh rằng, những người từ chối thường là các nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm. Mỗi lần như vậy, công ty thường cố gắng dàn xếp với người đi thuê. Nếu thất bại, họ sẽ tìm một giúp việc khác thay thế. Theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Nhân lực Singapore, người sử dụng lao động phải thông báo cho cơ quan quản lý về địa điểm đặt camera và các khu vực này không phải là nơi có thể ảnh hưởng đến sự riêng tư của người lao động, chẳng hạn chỗ nghỉ ngơi, thay quần áo hoặc trong nhà vệ sinh. Camera giám sát đang dần trở thành thiết bị phổ biến trong các gia đình có người giúp việc. Tuy nhiên, luật sư Steve Tan từ công ty luật Rajah & Tann giải thích rằng việc cài đặt camera giám sát ở nhà để ghi lại các hoạt động trong gia đình, bao gồm cả người giúp việc là hoàn toàn hợp pháp. "Bất kỳ điều gì mà chủ sở hữu nhà thực hiện, về mặt thu thập dữ liệu cá nhân như hình ảnh camera trong chính ngôi nhà của họ, sẽ không cần tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu chung", ông nói. Nhưng luật sư này cũng cho rằng không nên đặt camera trong phòng của người giúp việc hoặc nhà vệ sinh. "Bởi ở một thời điểm nào đó, bạn sẽ biết rằng sớm hay muộn cô giúp việc sẽ trong trạng thái không mặc quần áo", ông nói. "Nếu bạn làm điều gì với ý định xúc phạm sự riêng tư của một người phụ nữ, bằng cách xâm nhập vào không gian riêng của họ, nó được coi là hành vi phạm tội". Với những chiếc camera đặt ở khu vực chung như phòng khách hay nhà bếp, ông cho rằng điều đó vẫn được coi là hợp lý bởi "không ai muốn thay đồ trong một không gian như vậy". Trong trường hợp ra tòa, bồi thẩm đoàn vẫn đánh giá các hành vi phạm tội dựa trên video được quay từ camera giám sát hay nội dung được đưa lên mạng xã hội. Còn với người giúp việc, nếu cảm thấy không tin tưởng khi bị ghi âm, chụp hình, quay phim lúc đang làm việc, họ hoàn toàn có thể "chọn không làm việc cho chủ nhà đó", vị luật sư này nói. (theo ChannelNewsAsia) Bảo Nam Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ