Không chỉ nhân viên cứu hộ mà cả robot cũng sẽ tham gia tích cực vào việc cứu những người có nguy cơ chết đuối. Đó là Pars, loại robot bay có 4 quạt, mang theo phao cứu sinh để thả chính xác đến vị trí nạn nhân. Pars được phát triển bởi RTS Lab để phục vụ ở biển Caspian dọc bờ biển Iran. Phiên bản đầu tiên hoạt động trong tầm ngắn và đang được cải tiến để phạm vi làm việc rộng hơn. Pars được trang bị một loạt các cảm biến, bao gồm gia tốc, con quay hồi chuyển, GPS, áp kế và la bàn điện tử. Pars có thể mang theo cùng lúc 3 phao cứu sinh, trong tương lai nó có thể mang đến 15 phao. Nhân viên cứu hộ điều khiển Pars từ xa, nó cũng có thể hoạt động độc lập trong một số tình huống nhất định với hệ thông minh nhân tạo. Theo RTS Lab thì việc điều khiển Pars không khó, nhân viên vận hành chỉ cần qua vài ngày đào tạo. Các nhà khoa học còn thiết kế trạm quang năng để sạc pin cho Pars khi nó hoàn thành nhiệm vụ và bay trở về. Các trạm sạc pin có thể gắn vào thuyền cứu hộ hoặc đó là những trạm nổi độc lập. Một thế mạnh khác của Pars là nó có thể cứu được nhiều người trên đường bay trong khi loại robot đổ bộ thông thường chỉ có thể cứu mỗi lần 1 người. Bên cạnh đó Pars còn có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão biển. Theo Gizmag thì RTS Lab đã hoàn thiện việc thử nghiệm Pars. Hiện tại RTS Lab đang tìm nguồn tài trợ để xây dựng nguyên mẫu công nghiệp của Pars. Trong tương lai gần sẽ sản xuất hàng loạt Pars để cung cấp cho các nhân viên cứu hộ trên toàn thế giới. Nguồn KhoaHoc.com.vn