Hơn một tháng nay, dãy hàng lang trước phòng khám của Khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đông đúc phụ huynh đưa con em tới khám bệnh sởi và tay chân miệng. Tất tả đưa cháu ngoại 2 tuổi từ Tây Ninh lên thành phố tối 10/10, ông Lương Sơn Thanh kể: "Cháu tôi bị tay chân miệng đã 4 ngày nay. Các bác sĩ ở Bệnh viện Trảng Bàng khuyên phải đưa cháu xuống Sài Gòn điều trị nên cả gia đình mang theo đồ sinh hoạt cá nhân, cùng vào viện chăm sóc cháu". Trong phòng cấp cứu, các bệnh nhi tay chân miệng được bố trí nằm ghép và cố định vào giường để tránh kích thích. Khoa Nhiễm đang điều trị 155 trẻ tay chân miệng, 20 bé bệnh sởi. Bác sĩ Hạnh Đan dùng máy đo nhiệt độ cho một bệnh nhi sởi. Theo bác sĩ Đan, những ngày này bệnh nhân tăng cao nên y bác sĩ và ca trực cũng tăng cường luân phiên. Trung bình một ca trực có 2 bác sĩ, 5 điều dưỡng và một hộ lý. Trên giường bệnh dài hơn 1,5 m, bé Như Ý (2 tuổi, phải) được bố trí nằm ghép với bé trai cùng tuổi. "Giường ít, bệnh nhân đông nên mình cũng phải thông cảm cho bệnh viện chút đỉnh", bà ngoại bé chia sẻ. Bé Nguyễn Lê Hoàng Khang (6 tháng tuổi) được điều trị tại phòng cấp cứu đặc biệt. "Bé nhập viện trong tình trạng bị sốt, ho và nổi phát ban. Tôi lo lắm vì thấy bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm, dù đã 4 ngày rồi. Các bác sĩ nói phải tiếp tục theo dõi, điều trị", chị Thùy Linh (huyện Bình Chánh), mẹ bé kể. Trên giường bệnh, một phụ huynh vệ sinh mũi cho con gái để truyền thức ăn qua ống thở. Những ông bố bà mẹ thức suốt đêm theo dõi bệnh tình của con. 23h, khu vực phòng cấp cứu vẫn sáng đèn, các điều dưỡng Kim Huệ, Mỹ Phương và Hoài Thương tất bật chuẩn bị dụng cụ y tế cho kíp trực đêm. "Mỗi ca trực kéo dài 10-16 giờ, khá mệt mỏi và căng thẳng, nhất là vào mùa cao điểm dịch bệnh như hiện nay", chị Kim Huệ gắn bó với nghề điều dưỡng hơn 20 năm, chia sẻ. Cũng theo chị Huệ, vào những lúc cao điểm dịch bệnh, chỉ có đam mê, tình thương con trẻ là niềm an ủi với công việc, bởi tiền công cho mỗi ca trực chỉ 83.000 đồng. 0h, tranh thủ vãn bệnh nhân tới khám, các y bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nhiễm ăn uống, nghỉ ngơi để lấy sức tại khu vực phòng chờ. Hàng lang bệnh viện được các gia đình bệnh nhi tận dụng làm nơi ăn ngủ về đêm. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, từ cuối tháng 9, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện ở thành phố gia tăng nhanh, số ca nhập viện từ các tỉnh cũng tăng nhanh chóng so với trước. 9 tháng đầu năm thành phố ghi nhận 3.568 trường hợp tay chân miệng, 111 ca mắc sởi. Để phòng bệnh sởi, ngành y tế TP HCM khuyến cáo phụ huynh thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ bằng nước và xà phòng. Người chăm sỏc trẻ cũng phải rửa tay thường xuyên để không lây bệnh cho trẻ. Che miệng che mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy, bỏ khăn vào thùng rác. Trẻ có triệu chứng sốt, ho, mắt đỏ, phát ban cần đến khám ngay tại cơ sở y tế. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt hay phát ban. Thành Nguyễn - Cẩm Anh Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress