Thứ năm, 11/10/2018, 00:00 (GMT+7) Smartphone từ thương hiệu "con" của Xiaomi được trang bị cấu hình tương tự các mẫu flagship, pin tốt nhưng kiểu dáng kém sang và camera không nổi bật. Cùng "đẻ" thương hiệu con như Huawei (với Honor) và mới nhất là Oppo (với Realme) để cạnh tranh ở nhiều phân khúc và các thị trường mới, nhưng Xiaomi không có ý định giấu diếm "thân phận" của Pocophone. Với Pocophone F1, hãng muốn bứt tốc so với các đối thủ trong cuộc đua cấu hình khi đây là mẫu smartphone được trang bị vi xử lý cao cấp Snapdragon nhưng có giá rẻ nhất thị trường (7,9 triệu đồng). Chiếc F1 từ Pocophone mang khá nhiều nét đặc trưng đến từ Xiaomi, như thiết kế màn hình tai thỏ khá giống Mi 8, hệ điều hành với giao diện thay đổi nhẹ từ MIUI và ở mặt sau, hãng thêm dòng chữ nổi bật "by Xiaomi" ngay bên dưới. Trong khi đó, các hãng khác như Huawe, Oppo với thương hiệu con Honor, Realme gần như hoạt động độc lập ở hầu hết các thị trường. Từ mặt trước, Pocophone F1 rất giống Xiaomi Mi 8 với màn hình "tai thỏ". Từ kích thước, độ vuốt của phần lõm màn hình và bố trí biểu tượng hai bên của máy đều được làm tương tự iPhone X. Kiểu thiết kế này tuy không tối ưu diện tích như Oppo F9 hay Vivo V9 nhưng có sự hài hòa hơn khi nhìn tổng thể. Dù vậy, so với iPhone X, màn hình của F1 có phần viền dày hơn đáng kể, đặc biệt là ở phần dưới, do công nghệ màn hình chỉ là LCD so với OLED đắt tiền . Cách làm "tai thỏ" của Xiaomi tương tự iPhone Xs Max Di động mới từ Pocophone có kích thước màn hình tới 6,18 inch dù cầm trên tay khá gọn. Màn hình có độ phân giải Full HD+ (1.080 x 2.246 pixel) cho mật độ điểm ảnh 416 ppi. Các hình ảnh, chi tiết được hiển thị sắc nét, độ sáng tối đa đủ nhìn ngoài trời. Model được thử nghiệm không bị ám vàng hình - điều từng xảy ra với Mi Mix 2s trước đó của Xiaomi. Máy mang tỷ lệ siêu dài là 18,7:9 đúng xu hướng smartphone trong năm nay. So với một số smartphone khác cùng màn hình tràn viền, Pocophone F1 tối ưu cách sử dụng của người dùng nhờ các thao tác vuốt tương tự iPhone X mà không cần tới phím ảo bên trong. Với giao diện MIUI, cử chỉ vuốt trên F1 khá mượt với thao tác vuốt lên để về màn hình Home, vuốt lên giữ để mở thao tác đa nhiệm. So với iPhone X, máy có thêm thao tác vuốt từ trái sang để thay nút Back. Trong các smartphone Android, Xiaomi với giao diện MIUI có thể coi là hãng làm tốt nhất việc thay thế 3 phím cảm ứng của Android bằng thao tác vuốt. Vỏ nhựa với bề mặt sần cho cảm giác cầm tốt nhưng kém sang. Ở mặt sau, Pocophone F1 có thiết kế hoàn toàn khác so với các model của Xiaomi ở phân khúc giá tầm trung. Máy sử dụng vỏ nhựa polycarbon với bề mặt sần chống bám dính vân tay tốt nhưng trông không đặc biệt và hơi kém sang. Cảm giác đầu tiên khi cầm máy là hơi dày nhưng sau vài ngày sử dụng làm quen sẽ không còn bị khó chịu. Sở dĩ máy tới 9 mm ở điểm dày nhất là bởi viên pin dung lượng cao, tới 4.000 mAh. Trang bị thiếu sót đáng tiếc nhất trên sản phẩm chính là việc không có NFC. Tuy nhiên, với thị trường Việt Nam, đây không phải là nhược điểm lớn. Cấu hình là ưu điểm nổi bật nhất của Pocophone F1. Ở mức giá 7,9 triệu đồng, máy được trang bị vi xử lý Snapdragon 845 cùng bộ nhớ RAM tới 6 GB. Để có thể chơi game trong thời gian dài và tăng hiệu năng, máy còn sở hữu thêm hệ thống làm mát bằng chất lượng LiquidCool tương tự Note9. Cơ chế làm việc là khi CPU nóng, chất lỏng sẽ được chuyển từ mô-đun làm mát đến và bay hơi. Lượng khí này sẽ di chuyển đến cuối hệ thống ống và ngưng tụ lại thành chất lỏng để chuẩn bị cho quá trình mới. Các game nặng như PUBG Mobile đều mặc định ở tùy chọn độ họa cao nhất. Với phần cứng mạnh như vậy, Pocophone F1 dễ dàng lọt top 10 thiết bị có điểm đánh giá hiệu năng cao nhất trên AnTuTu với 263.893 điểm. Khi cài các game có đòi hỏi hiệu năng cao như Pubg Mobile hay Asphalt 9, cấu hình mặc định luôn ở mức cao nhất. Hiệu ứng hình ảnh trong game cũng được xử lý mượt mà như hình phản chiếu khung cảnh xung quanh lên lớp vỏ của xe trong Asphalt 9. Hệ thống làm mát bằng chất lỏng cũng tỏ ra hoạt động hiệu quả khi trong khoảng hơn 30 phút chơi game liên tục, máy chỉ hơi ấm một chút (điều kiện trong phòng điều hòa khoảng 27 độ C). Pocophone F1 sử dụng giao diện MIUI nhưng có sự thay đổi nhỏ so với các smartphone mang thương hiệu Xiaomi như có thêm giao diện riêng cho toàn bộ ứng dụng giống hệ điều hành Android gốc. Các ứng dụng xem ảnh và video không có tên gọi Mi đứng trước. Tuy nhiên, Pocophone F1 sẽ thiệt thòi đôi chút khi bản MIUI dựa trên thường thấp hơn so với các smartphone thương hiệu Xiaomi Mi. Model thử nghiệm dùng MIUI 9 trong khi nhiều máy Xiaomi Mi được lên MIUI 10. Không có 3 phím cảm ứng nhưng trải nghiệm vuốt cử chỉ trên Pocophone F1 rất tốt. Ưu điểm lớn nhất của giao diện là việc tối ưu cho các cử chỉ vuốt mượt mà. Sau iPhone X, smartphone của Xiaomi (bao gồm cả Pocophone F1) là những model hỗ trợ cử chỉ tốt nhất trên thị trường. Một tính năng khá thú vị của máy là khả năng sử dụng hai tài khoản riêng biệt. Hai "không gian" riêng biệt sử dụng từ dữ liệu, hình ảnh đến các tài khoản tách riêng khá thuận tiện. Ngoài ra, máy cũng hỗ trợ mở khóa bằng khuôn mặt nhanh. So với Mix 2s, máy có thêm đèn hồng ngoại giúp mở khóa khuôn mặt trong tối khá tiện dụng. F1 trang bị pin dung lượng lớn tới 4.000 mAh tương đương Note9 hay Huawei P20 Pro nhưng màn hình độ phân giải thấp hơn, cho thời lượng sử dụng pin ấn tượng. Với những ngày sử dụng nhiều và liên tục như cuối tuần, máy vẫn đáp ứng đủ một ngày trọn vẹn. Trong thử nghiệm chơi PUBG Mobile trong khoảng 30 phút, máy cũng chỉ tiêu tốn hết khoảng 8% thời lượng pin. Khi xem video Youtube ở độ phân giải cao nhất Full HD, máy cũng chỉ mất khoảng 5% cho gần 40 phút xem. Ngoài ra, máy cũng hỗ trợ chuẩn sạc nhanh mới nhất từ Qualcomm là QuickCharge 3.0. Không phải là trang bị được ưu tiên, đặc biệt là với chiến lược "cấu hình mạnh giá rẻ", camera trên F1 không tệ so với tầm giá. Máy có camera kép với cảm biến 12 megapixel, độ mở f/1.9, kích thước điểm ảnh là 1,4 micromet. Ở chế độ chụp chân dung, máy giữ nguyên tiêu cự mà chỉ xử lý xóa mờ phông nền nên cho hiệu ứng chưa thực sự giống với máy ảnh chuyên nghiệp. Thông số của camera chỉ tương đương với Xiaomi Mi A2 Lite nhưng chất lượng khá ổn so với tầm giá 7 triệu đồng. Ảnh chụp bởi sản phẩm có thiên hướng tăng màu sắc và độ tương phản nhưng đây cũng là lý do khiến chi tiết ảnh ở các vùng rìa ảnh hoặc thiếu sáng cho cảm giác hơi bị "bệt". Với các hình chụp thiếu sáng, máy cũng có thiên hướng xử lý màu sắc hơi mạnh. Tuy nhiên, chế độ chụp HDR khá tốt khi làm rõ được cả vùng quá sáng lẫn thiếu sáng của khung hình. Máy có giao diện chụp ảnh giống iPhone khá dễ dùng và có cả chế độ chụp chỉnh tay tương tự các smartphone cao cấp. Camera trước có độ phân giải tới 20 megapixel và góc rộng. Ở chế độ mặc định, máy đã có mức độ làm mịn và sáng da nhẹ. Khuôn mặt cũng tạo cảm giác thon gọn hơn so với thực tế. Tuy nhiên, khi chụp ở điều kiện thiếu sáng, ảnh cho cảm giác hơi "soft". Có thiết kế kém sang và camera không thực sự nổi bật nhưng Pocophone F1 vẫn là đối thủ rất đáng gớm ở phân khúc giá trên dưới 8 triệu đồng. Máy có các thể mạnh rất lớn ở cấu hình cao, hỗ trợ chơi game tốt bao gồm cả khả năng tản nhiệt ổn định và pin lâu. Ưu điểm: - Cấu hình mạnh. - Pin tốt. - Tản nhiệt tốt. - Trải nghiệm vuốt thay phím ảo mượt mà. Nhược điểm: - Viền màn hình còn dày. - Kiểu dáng kém sang với vỏ nhựa. - Giao diện MIUI chậm cập nhật hơn so với dòng điện thoại Mi. Tuấn Hưng Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ