Bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thùy, Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết, điển hình là thai phụ 17 tuổi chỉ siêu âm thai, không xét nghiệm máu trong thai kỳ. Thai phụ vào Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) vì vỡ ối sớm, bác sĩ phát hiện bị giang mai thai kỳ. Sản phụ sinh non lúc 35,5 tuần thai. Em bé được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 1, ghi nhận có nhiều bóng nước to bị vỡ, bong tróc da rải rác toàn thân. Các xét nghiệm cho thấy em bé bị giang mai bẩm sinh. Sau quá trình điều trị, bé khỏe, hết sang thương da. Theo bác sĩ Thùy, giang mai là bệnh nhiễm trùng mạn tính ở đa cơ quan do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Ba đường lây truyền bệnh là đường tình dục, truyền máu và mẹ con. Nhiễm trùng thai nhi từ người mẹ bị bệnh dẫn đến giang mai bẩm sinh. Bệnh có thể gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non và tử vong sơ sinh. Ngay cả trẻ sơ sinh còn sống có thể phát triển các biểu hiện của giang mai bẩm sinh, gây biến dạng răng và xương, thậm chí mù lòa và điếc... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có tới 1,5 triệu ca giang mai trong thai kỳ mỗi năm. Tất cả trẻ bị giang mai bẩm sinh hay sinh ra từ mẹ có phản ứng huyết thanh dương tính, cần được theo dõi lâm sàng và kiểm tra mỗi 2-3 tháng cho đến khi xét nghiệm âm tính. Xoắn khuẩn gây bệnh giang mai. Ảnh: dissolve Theo bác sĩ Thùy, trong 4 năm đầu tiên mắc giang mai, phụ nữ không được điều trị có 70% nguy cơ lây nhiễm sang thai nhi. Bệnh giang mai bẩm sinh có thể ngăn ngừa bằng penicillin. Thời gian bắt đầu điều trị trong giai đoạn mang thai hết sức quan trọng, tốt nhất là dùng penicillin trước ba tháng cuối thai kỳ (tuần thai thứ 28) 98% ngừa được giang mai bẩm sinh. Giang mai có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên nếu không chẩn đoán đúng cách và chữa trị sớm có thể gây biến chứng cho tim, não, động mạch chủ, xương, một số trường hợp tử vong. Khi có vết loét ở bộ phận sinh dục hay bất kỳ vị trí nào có tiếp xúc tình dục không an toàn, cần phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm đầy đủ. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress