Hơn năm tháng từ khi tách biệt mảng kinh doanh nội thất với công ty trước đây, Minh không còn nhớ đến thời gian dành cho bản thân. Buổi sáng của anh bắt đầu bằng một ấm trà, nhưng thường cuối ngày vẫn còn nguyên bởi họp hành và những cuộc điện thoại cuốn đi liên tục. Minh luôn tự nhận mình giống kẻ khờ trong một cuộc phiêu lưu mộng mơ ngót nghét chục năm, hơn là giám đốc điều hành cùng lúc hai doanh nghiệp. Minh học quản trị kinh doanh, nhưng hiếm xuất hiện trên giảng đường trong suốt bốn năm đại học. Cuộc sống tự lập buộc chàng sinh viên tỉnh lẻ làm mọi việc nặng nhẹ, từ phát tờ rơi đến khuân vác để nhận 135.000 đồng mỗi ngày công. Có quãng thời gian dài làm cho một công ty vận chuyển văn phòng, Minh cặm cụi từ khuya hôm trước đến tờ mờ sáng hôm sau và gần như bỏ quên chương trình học, trong khi nhiều bạn bè cùng khoá đã tốt nghiệp. “Tôi nhiều lần trăn trở: không bằng cấp và thu nhập mỗi ngày vài trăm nghìn thì bao giờ sẽ thành danh. Ngoài tham vọng làm giàu cháy bỏng, thời điểm đó tôi chẳng có gì cả. Thực ra, nếu có ý tưởng kinh doanh mới, tôi cũng chẳng đủ tiềm lực tài chính và mối quan hệ để phát triển chúng”, Minh kể về lý do nghỉ việc và thành lập công ty cung cấp dịch vụ dọn, chuyển nhà. Phạm Văn Minh đang sở hữu hai công ty trong lĩnh vực chuyển nhà và thanh lý nội thất. Ảnh: NVCC. Minh gọi đó là bước ngoặt đầu tiên và lớn nhất trong đời. Anh nghĩ đơn giản rằng nghề vận chuyển mang tính thời vụ nên nhân viên, xe hàng có thể thuê và trả theo ngày. Căn phòng trọ 10 m2 được trưng dụng làm “trụ sở doanh nghiệp”. Chiếc máy tính second-hand trở thành tài sản quý giá nhất của công ty. Tiền tiết kiệm một phần anh dành đề phòng bất trắc, phần còn lại dồn hết cho quảng cáo. Hợp đồng đầu tiên đến với Minh sau chưa đầy một tuần dù giá trị vỏn vẹn hai triệu đồng. Anh chấp nhận mọi yêu cầu của khách, điều nào vượt khả năng sẽ xoay sở hoàn thiện bằng những mối quan hệ hoặc thuê lại bên ngoài. Điều quan trọng nhất với Minh – một “doanh nhân” tay trắng – không phải tỷ suất lợi nhuận 30 hay 50 phần trăm, mà là được trao cơ hội chứng tỏ năng lực. Chính điều này cũng khiến Minh không ít lần khánh kiệt. Không kiểm soát được chi phí khiến lợi nhuận bị ăn mòn liên tục, bất chấp số lượng lẫn giá trị hợp đồng đổ về ngày càng nhiều. Cuối năm 2012, anh buộc vay tín dụng đen để thanh toán lương nhân viên và nợ đối tác. Lần đầu đón Tết xa quê khi trong túi chỉ còn vài chục nghìn, Minh bắt đầu suy tính chuyện đóng cửa công ty. “Hai câu hỏi thường trực trong đầu là nếu phá sản, ai sẽ thay mình trả nợ và cuộc sống của những anh em đã đồng hành sẽ thế nào. Vì không trả lời được nên tôi phải tiếp tục”, Minh tâm sự và cho biết mất một quãng thời gian dài sau đó phân tích tình hình tài chính, xây dựng chiến lược kinh doanh để đưa công ty vào quỹ đạo. Thời điểm hoạt động khởi sắc trở lại, doanh nghiệp đặt đơn hàng chuyển văn phòng lớn thường kèm theo đề nghị thanh lý những vật dụng không còn hữu ích. Minh lại đánh cược vào dự án mới: phát triển nhánh kinh doanh nội thất cũ với thương hiệu VinaSave. Cửa hàng trưng bày nội thất cũ của VinaSave tại quận 7. Ảnh: Phương Đông. Tận dụng lợi thế sẵn có về vận chuyển, hoạt động thu mua và thanh lý nội thất diễn ra suôn sẻ hơn lần đầu khởi nghiệp. Trở ngại lớn nhất Minh đối mặt khi vận hành mô hình mới là không có công thức chuẩn để định giá sản phẩm, mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. "Luật bất thành văn" của anh là ít nhất mua một lãi một, nhưng nhiều trường hợp định giá sai nên trở thành "mua một lỗ một" hoặc nhiều hơn. Câu chuyện mặt bằng cũng khiến chàng trai sinh năm 1985 trăn trở không kém. Do không thể cạnh tranh với những thương hiệu bán lẻ nổi tiếng để sở hữu mặt bằng lớn ở trung tâm, Minh phải lùi cửa hàng ra ngoại ô. Dự tính trong ngắn hạn sẽ phát triển chuỗi 10 cửa hàng dưới 300 m2, nhưng mới đây Minh lại điều chỉnh tăng diện tích vì nhận thấy khách không xác định chính xác nhu cầu mà chỉ phát sinh khi trực tiếp tham quan cửa hàng. Đối tượng khách hàng mục tiêu của Minh đa dạng từ hộ gia đình đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điểm chung là tiết kiệm chi phí nên giá cả được nhóm khách hàng này ưu tiên hàng đầu, tiếp đến là độ bền và sự đồng nhất về mẫu mã. “Thị trường nội thất second-hand tại Việt Nam còn dư địa tăng trưởng vô cùng lớn nên doanh nghiệp tham gia ngành ngày càng nhiều. Dẫu vậy, tôi không quá lo lắng tìm hiểu xem đối thủ của mình là ai hay họ đang làm gì mà chỉ muốn dành thời gian đó để phát triển dịch vụ, khắc phục khuyết điểm về định giá và đồng bộ hoá hệ thống giao nhận, nhận diện thương hiệu...”, Minh chia sẻ và cho rằng VinaSave cũng không cần dùng chiêu trò để bành trướng thị phần hoặc sớm chạm mốc doanh thu triệu USD, bởi chỉ cần làm tốt công việc của mình thì điều đó sẽ đến như một quy luật tất yếu. Phương Đông Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress