Ở tuổi 30, bác sĩ Phương không ngờ có một ngày mình được quay trở lại làm công việc trước kia, khám bệnh tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội). Trước đó chị được cấy ốc tai điện tử ở hai bên để có thể nghe lại được. Nhìn nụ cười, ánh mắt vui vẻ của chị có lẽ ít ai biết được chị vừa trải qua hai năm khủng hoảng. Hai năm trước bác sĩ Phương là một bệnh nhân khiếm thính. Cú sốc cuộc đời bắt đầu từ ngày chị không may mắc quai bị. Một căn bệnh tưởng chừng đơn giản với nhiều người song với chị lại là thảm họa. Chỉ sau 2 ngày mắc bệnh, thính lực của chị đột ngột giảm ở một bên tai, dần dần đến ngày thứ 5 thì không thể nghe được bất cứ âm thanh gì ở cả hai bên tai. Bác sĩ Hoàng Thị Phương, hiện là chuyên viên về thính học tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Phó Trưởng khoa Tai Mũi họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trường hợp mắc quai bị gặp biến chứng mất thính lực hoàn toàn như bác sĩ Phương rất hiếm gặp, tỷ lệ một trên 10.000 ca. Bác sĩ Phương nhớ lại lúc đó bản thân cũng không ngờ bệnh diễn biến quá nhanh. Thử nhiều phương pháp điều trị nhưng bệnh không cải thiện. Chị thực sự rất sốc, từ một người bình thường bỗng chốc trở thành một người khuyết tật. Cô con gái đầu lòng của chị khi đó mới 10 tháng tuổi. Bao dự định cho công việc, cuộc sống bỗng chốc tan thành mây khói. Chị không nghe được tiếng khóc của con, không nghe được khi con cất tiếng gọi mẹ. “Khi đó tôi rơi vào khủng hoảng thực sự, không biết phải làm gì để thoát ra khỏi tình cảnh này. Đã có lúc tôi muốn buông xuôi tất cả, cả ngày không muốn gặp ai, tiếp xúc với ai, chỉ ngồi xem phim, đọc sách một mình rồi khóc, nghĩ vẩn vơ”, bác sĩ Phương kể lại. Sau đó nhờ sự động viên của gia đình, đồng nghiệp, chị một lần nữa bắt bản thân quen với hoàn cảnh mới, một cuộc sống không có âm thanh. Chị học cách đọc khẩu hình của mọi người, giao tiếp bằng cách viết ra giấy... Song không nghe được, phản xạ giao tiếp mất dần, giọng nói của chị cũng méo mó dần. Hy vọng thắp lên khi chị biết đến phương pháp cấy ốc tai điện tử. Tháng 10/2016, chị cấy ốc tai điện tử bên tai phải, một năm sau cấy tiếp ở bên tai trái. Chị là bệnh nhân đầu tiên được cấy ốc tai điện tử tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hành trình tìm lại tiếng nói của chị sau đó giống như một đứa trẻ, tập nghe, phát âm, tập đánh vần. Mất 6 tháng, chị mới học lại cách giao tiếp bằng âm thanh, giọng nói cải thiện tốt hơn. “Khoảnh khắc nghe được âm thanh trở lại, tôi đã bật khóc, mẹ chồng tôi làm bác sĩ tim mạch cũng khóc. Về đến nhà, nghe tiếng con, tôi cũng ôm con mà khóc”, bác sĩ Phương kể lại. Bác sĩ Phương từng có giọng hát rất hay, đạt giải đặc biệt thi đơn ca trong Liên hoan Nghệ thuật Quần chúng tại Bệnh viện năm 2016. Nay trải qua 2 năm khủng hoảng, đến khi nghe lại được chị cũng chưa bao giờ hát. So với trước, giọng của chị đã có thay đổi, dù vậy chị vẫn thấy mình thật may mắn. Từ một bác sĩ trở thành một bệnh nhân, chị thấu hiểu hơn ai nỗi khổ mà những người mất thính lực phải chịu đựng. Giờ đây với chị điều quan trọng nhất trong cuộc đời là hạnh phúc, là niềm vui trong tâm hồn mình, là làm được gì cho bệnh nhân của mình. Ốc tai điện tử gồm một thiết bị giúp chuyển đổi âm thanh thành những tín hiệu điện và một điện cực chuyển các tín hiệu điện này vào trong ốc tai. Thần kinh thính giác trong tai bị kích thích sẽ truyền tín hiệu lên não, giúp người bệnh nghe được âm thanh. Quá trình luyện nghe nói sau đó giúp rèn luyện não để họ hiểu được những âm thanh này. Phương pháp cấy điện cực ốc tai đã được nhiều nước áp dụng từ những năm 2000 song tại Việt Nam chưa phổ biến, một phần do chi phí đắt đỏ 500-650 triệu đồng. Phương Trang Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress