Bác sĩ Trầm Minh Toàn, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết bệnh nhân Nguyễn Duy Hưng sinh năm 1998, từ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chuyển vào cấp cứu lúc 0h40 ngày 5/8 với chẩn đoán viêm tụy cấp nặng, theo dõi hoại tử. Các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán, truyền dịch giảm đau và đến hơn 5h sáng chuyển đến khoa Nội tiêu hóa. Đến trưa cùng ngày bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực. Trong khi đó người mẹ phản ánh: "Bác sĩ truyền vào tay một bình nước biển, loại nước muối loãng mà giá khoảng 11.000 đồng". Khi bay từ Mỹ về, bà thấy con trai nằm trong phòng hồi sức với "dây nhợ và máy móc xung quanh", mỗi ngày chỉ được thăm bệnh một lần, "sau 30 phút thì bắt đầu xua đuổi người nhà". Người nhà "nhờ bác sĩ ở Mỹ sẵn sàng gửi thuốc kháng sinh mạnh để chữa trị nhưng không được Bệnh viện Chợ Rẫy chấp thuận". Gia đình nóng ruột nên tiến hành làm visa khẩn cấp để đưa con qua Mỹ, yêu cầu cung cấp bảng tóm tắt bệnh án bằng tiếng Anh để làm thủ tục nhưng không được bệnh viện đáp ứng. Người mẹ bức xúc vì phòng 26 giường bệnh mà chỉ có 3 máy lọc máu khiến con trai thường xuyên bị rút máy. Tiền đóng bệnh viện gần một tỷ đồng mà bệnh không thuyên giảm. Con trai bà qua đời sau 24 ngày điều trị. Sau đám tang, khi người nhà yêu cầu, bệnh viện chỉ giao bản tóm tắt bệnh án trong một trang A4. Người mẹ cho rằng con trai tử vong vì "sự nhẫn tâm, ác độc, yếu kém về trình độ chuyên môn" của bác sĩ. Chiều 14/9, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá lại quá trình điều trị cho bệnh nhân này. Phó giáo sư Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc bệnh viện chia sẻ, bệnh nhân còn rất trẻ, bệnh lại diễn tiến quá nặng, các bác sĩ đầu ngành đều phối hợp để tận lực cứu chữa. "Không có chuyện bệnh viện bỏ bê hay gây khó dễ cho gia đình", bác sĩ Tiến nhấn mạnh. Theo bác sĩ Phan Thị Xuân, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, bệnh nhân phải thở máy, lọc máu liên tục, theo dõi biến chứng để can thiệp kịp thời. Bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, sử dụng nhiều máy móc kỹ thuật cao nên chi phí lớn, tổng cộng 23 ngày điều trị tại khoa hết 660 triệu đồng. "Bệnh viện không thiếu thuốc. Thuốc gửi từ bên Mỹ về viện cũng không thể nhận vì nguyên tắc thuốc phải có giấy phép nhập khẩu, không thể dùng tùy tiện", bác sĩ Xuân giải thích. Khoa có 8 máy lọc máu liên tục, 2 máy lọc máu ngắt quãng. Các máy đều là thế hệ mới được sử dụng tại các trung tâm lớn trên thế giới, nên không có chuyện không đủ máy cho bệnh nhân. Máy lọc máu cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: N.H. Bác sĩ Xuân cho biết, muốn chuyển viện sang Mỹ, người nhà phải tự lo thủ tục xin visa. Một bác sĩ trong khoa đã cung cấp email để bác sĩ bên Mỹ liên hệ trao đổi chuyên môn. Tuy nhiên người nhà sau đó email đều không đề cập chuyện sang Mỹ mà mời bác sĩ đi ăn uống, gặp riêng, bác sĩ từ chối. Người mẹ cũng nhiều lần gửi tiền nhưng các y bác sĩ đều không nhận. Các bác sĩ cũng thông tin, tối 25/8 gia đình đề nghị cung cấp bảng tóm tắt bệnh án bằng tiếng Anh. Bảng tóm tắt này đang chờ lãnh đạo ký vào ngày 27/8 thì bệnh nhân trở nặng. Các bác sĩ phải gác lại chuyện giấy tờ để dồn sức tập trung cứu bệnh nhân trong giai đoạn nguy cấp. Khi bệnh nhân tiên lượng không qua khỏi, người nhà lại yêu cầu và bệnh viện đã gửi bản tóm tắt 2 trang giấy A4 theo mẫu quy định. Bác sĩ Đoàn Tiến Mỹ, Trưởng Khoa Ngoại Gan Mật Tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết viêm tụy cấp gồm ba thể là viêm tụy phù nề, xuất huyết và hoại tử xuất huyết. Bệnh nhân Hưng ở thể hoại tử xuất huyết là nặng nhất, diễn tiến nguy hiểm khó lường, tỷ lệ tử vong trên 90%. "Trường hợp này bác sĩ như đi vào cái chết để cố tìm sự sống cho bệnh nhân nhưng đành bất lực", bác sĩ Mỹ chia sẻ. Bác sĩ Hồ Thanh Bình,Trưởng Khoa Nội Tổng quát, là người quen của gia đình bệnh nhân, được gia đình gửi gắm hỗ trợ. "Ngay từ đầu chúng tôi đều hiểu rõ cháu tôi bệnh quá nặng không có nhiều hy vọng, chỉ có thể cầu mong phép màu", bác sĩ Bình nói. Ông Bình cũng gửi lời xin lỗi các đồng nghiệp trong bệnh viện về phản ứng của người mẹ. Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến đầu ở miền Nam. Lê Phương Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress